Quảng Ngãi: Dâng hương Cụ Huỳnh Thúc Kháng và ra mắt Câu lạc bộ hát dân ca Bài chòi
- Văn hóa - Giải trí
- 02:53 - 02/01/2021
Đến dự buổi lễ có đồng chí Đặng Ngọc Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành. Đồng chí Đinh Xuân Sâm-Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, các Hội đoàn thể và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) là một chí sĩ yêu nước. Ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1946-1947) và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (giai đoạn từ 31 tháng 5 đến 21 tháng 9 năm 1946), trước đó ông từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ thời thuộc Pháp. Nổi tiếng với tài năng, đức độ và lòng yêu nước, người dân Việt Nam thường nhắc đến ông với một tên gọi gần gũi: Cụ Huỳnh.
Ngày 21 tháng 4 năm 1947, ông lâm bệnh nặng và mất tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Làm theo tâm nguyện của ông, nhân dân đã an táng ông trên đỉnh núi Thiên Ấn. Nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi.
Sau lễ dâng hương, huyện Nghĩa Hành cũng tồ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ hát Bài chòi theo Đề án của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc bảo tồn và phát huy giá tị văn hóa nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, Bài chòi ra đời tại các tỉnh duyên hải miền Trung khoảng thế kỷ XVI, XVII. Bài chòi được diễn ra vào dịp tết đến, xuân về, tại các sân đình, miếu, làng… Bài chòi là sự kết hợp trò chơi giữa các chòi và nghệ thuật diễn xướng, hô bài của các nghệ nhân trong vai trò anh hiệu-người quản trò dẫn dắt, hô hát các con bài được đánh ra. Chính vì vậy, trong làng quê miền Trung có câu: “Rủ nhau đi đánh Bài chòi/ Để con nó khóc cho lòi rốn ra…”
Ông Đinh Xuân Sâm-Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết: "Để giữ gìn và phát huy giá trị di sản Bài chòi, huyện đã cấp kinh phí cho Phòng Văn hóa-Thông tin huyện để duy trì hoạt động cho Câu lạc bộ hát Bài chòi và kêu gọi xã hội hóa để tổ chức cho các nghệ nhân Bài chòi tham gia trình diễn nghệ thuật Bài chòi thông qua cuộc thi, liên hoan dân ca, phát động rộng rãi phong trào sáng tác, đặt lời mới cho Bài chòi..”