THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:08

Quảng Ngãi: Còn thiếu trên 17 ngàn lao động trong năm nay

Thị trường lao động rất dồi dào 

Báo cáo từ UBND tỉnh cho thấy, tính đến ngày 31.12.2018, trên địa bàn tỉnh có 5.063 doanh nghiệp đang hoạt động, với gần 99.000 lao động. Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, Tỉnh đoàn đã tổ chức 26 phiên giao dịch việc làm tại các địa phương trong tỉnh (2 phiên/tháng). Bình quân mỗi phiên huy động trên 40- 55 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Số lao động tìm được việc làm tại các phiên giao dịch chiếm 35-40%. Qua sàn đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp tuyển dụng trên 7.000 lao động, có hơn 900 lao động được tư vấn tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo lao động.

Các doanh nghiệp tuyển mới năm 2018 được trên 5.000 lao động. Qua 2 tháng đầu năm 2019, có hơn 3.800 lượt người trực tiếp khai thác thông tin và phỏng vấn tại sàn việc làm, số lao động khai thác thông tin việc làm qua website trung tâm là 5.640 lượt. Kết quả đã có trên 2.000 lao động được tuyển dụng. Dự báo trong năm 2019, 2020 nhu cầu tuyển dụng lao động rất cao khi một số doanh nghiệp lớn sẽ đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh. 

 Ông Lê Viết Chữ- Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi,

Ông Lê Viết Chữ- Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi,

Phát biểu mở đầu hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ đã khẳng định đây là lần đầu tiên các lãnh đạo cao nhất của tỉnh đều tham gia hội nghị này, nhằm đánh giá đúng thực trạng lao động của tỉnh cũng như đưa ra các giải pháp căn cơ và lâu dài nhằm giải quyết việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn tỉnh chủ động hơn nữa trong việc tuyển dụng lao động.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lực lượng lao động tại địa phương luôn dồi dào song các doanh nghiệp vẫn tuyển dụng không đủ số lượng theo đúng nhu cầu hiện có. Những năm qua, dù các cấp ngành, thậm chí cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với mong muốn tạo ra sự đột phá trong việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương nhưng chưa đạt kết quả như mong đợi.

Nhà đầu tư khi đến đầu tư tại Quảng Ngãi họ cũng đã tìm hiểu rất nhiều, thậm chí so sánh với những thị trường lao động tiềm năng như Mỹ, Hồng Công hay Singapore nhưng vẫn chọn Quảng Ngãi là họ đã đặt kỳ vọng vào chúng ta. Vì vậy nếu chúng ta không thể cung ứng đủ nguồn nhân lực cho họ sẽ là thiệt thòi cho nguồn nhân lực tại địa phương. 

Chúng ta không thể cho rằng ý thức của người lao động chưa được nâng lên mà chúng ta cần phải nhìn nhận khách quan rằng mức lương mà người lao động hiện nay đang được hưởng đã tương xứng với giá trị lao động mà họ đã phải bỏ ra hay chưa. Đó là chưa kể hệ thống hạ tầng phục vụ cho sinh hoạt của người lao động vẫn còn hạn chế, chưa tạo ra được sức hút lớn để người lao động yên tâm làm việc. Thử hỏi, chúng ta đã xây được bao nhiêu ngôi nhà ở xã hội cho công nhân, khu vui chơi giải trí đã có chưa, nhà trẻ, trường mần non đã đáp ứng được nguyện vọng của người lao động hay không, chính sách bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội đã được triển khai rộng khắp chưa, Bí thư Lê Viết Chữ đã nêu ra những trăn trở như vậy với hơn 400 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hội đoàn thể, lãnh đạo các huyện-TP, Hiệu trưởng các trường PTTH trên địa bàn tỉnh về dự hội nghị.

Ông Trần Ngọc Căng-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Trần Ngọc Căng-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Cũng đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Căng-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nêu lên thực tế rằng phần đông lao động người Quảng Ngãi vẫn thích đi lao động ở các khu kinh tế trọng điểm phía nam hơn là làm việc tại quê nhà. Với mức lương trung bình từ 5-7 triệu đồng như hiện nay tại các khu CN của tỉnh sẽ khó thu hút được lao động làm việc lâu dài. Thậm chí, không ít lao động chấp nhận đi vào các thành phố lớn, nhất là TPHCM để buôn thúng bán bưng, bán hủ tiếu, bán phở …vẫn có thu nhập tốt hơn lao động tại các khu công nghiệp. Phải chăng chính sách hỗ trợ cho người lao động chưa tốt, chưa đáp ứng với những nhu cầu thiết thực của người lao động mà các địa phương khác thì làm được mà chúng ta thì chưa, trong đó cần phải tính tới chế độ tiền lương, tiền thưởng đã tạo sức cạnh tranh hay không.

Cần những nhóm giải pháp lớn để thu hút nguồn nhân lực

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận từ các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đề cập đến việc dự báo nguồn cung và cầu về lao động trên địa bàn tỉnh. Công tác phân luồng đào tạo, định hướng nghề nghiệp đã thực sự sâu sát chưa, đã bắt kịp với thực tế đang diễn ra.

Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, ông Trần Văn Mẫn.

Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, ông Trần Văn Mẫn.

Ông Trần Văn Mẫn-Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết để thu hút được lực lượng lao động vào làm tại các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh thì trước hết cần phải ưu tiên xây dựng môi trường sống rồi mới tính đến việc thu hút nguồn nhân lực. Như huyện Mộ Đức có 120 ngàn nhân khẩu, trong đó có 60% nhân khẩu là làm nghề nông nghiệp. Tuy nhiên, phần đông lực lượng lao động này lại không làm việc tại địa phương. Chủ yếu đi làm việc ở các tỉnh phía nam. Để kêu gọi họ về quê thì cần rất nhiều chính sách ưu đãi mới có thể thu hút lực lượng lao động này. 

Chủ tịch UBND thị trấn Trà Xuân huyện Trà Bồng, ông Võ Văn Triều cũng nêu những khó khăn khi lực lượng lao động tại địa phương đa phần là người dân tộc thiểu số, chưa quen với tác phong công nghiệp, rất khó tiếp cận với các khu công nghiệp trong tỉnh, trong khi đó các doanh nghiệp chỉ chú trọng vào công việc tuyển dụng lao động, trả lương mà không đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về sinh hoạt cho người lao động nên rất khó thu hút lực lượng lao động từ miền núi xuống đồng bằng làm việc.

Lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Ngãi hội ý để tìm những giải pháp thiết thực góp ý cho hội nghị.

Lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Ngãi hội ý để tìm những giải pháp thiết thực góp ý cho hội nghị.

Với thu nhập 5-6 triệu đồng tháng khi đi làm công nhân thì những lao động tại địa phương cũng có thể làm những công việc khác để có số thu nhập như vậy như phát rẫy, chặt keo, làm thuê cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn. Chính vì thế họ không muốn rời xa quê hương đi làm việc khi phải thuê nhà và cộng các chi phí sinh hoạt đắt đỏ vào tiền lương sẽ không có gì để tiết kiệm, ông Võ Văn Triều bày tỏ.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ đã nêu ra 7 nhóm giải pháp để giải bài toán cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó nhấn mạnh đến công tác đào tạo nghề ngắn hạn, nhất là cho lực lượng học sinh vừa tốt nghiệp PTCS, PTTH, lực lượng bộ đội xuất ngũ. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo gắn với giải quyết việc làm tốt thì đây sẽ là lực lượng chủ lực cung ứng cho con số thiếu hụt nguồn nhân lực mà chúng ta cần trong năm nay là tuyển dụng 16.467 lao động, nhiều nhất ở Khu kinh tế Dung Quất, nhà máy Thép Hòa Phát, khu công nghiệp Vsip còn thiếu đến 7.000 lao động. 

 Hội nghị có sự tham gia của 400 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo các sở ban ngành, các huyện -tp trong tỉnh.

Hội nghị có sự tham gia của 400 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo các sở ban ngành, các huyện -tp trong tỉnh.

Quảng Ngãi hiện có 840 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong khi đó hiện tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh chỉ cần tuyển dụng từ 15-17 ngàn lao động nhưng vẫn không cung ứng đủ thì thực sự là câu hỏi cho chúng ta phải suy nghĩ. Việc làm chưa hấp dẫn, thu nhập chưa tương xứng sẽ rào cản lớn cho công tác tuyển dụng trong thời gian đến. Chúng ta phải thấy rằng thị trường lao động hiện nay đang có sự cạnh tranh rất lớn. Nếu nơi nào thuận lợi, nơi nhiều ưu đãi thì người lao động ắt sẽ tìm tới. Xây dựng một một thị trường lao động có tính cạnh tranh lành mạnh, hài hòa lợi ích và quyền lợi giữa người lao động và doanh nghiệp thì chúng ta mới có thể có được nguồn nhân lực bền vững, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ kết luận.

Đông Hải

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh