Quảng Nam: Quy mô và tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn một nửa so với đầu năm 2016
- Dược liệu
- 18:07 - 12/12/2020
Tổng nguồn vốn ngân sách bố trí và huy động thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh đạt 11.891,324 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2011-2015. Từ năm 2017 đến nay, nguồn ngân sách tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ chi cho một số chính sách giảm nghèo và một số dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững do trung ương ban hành, đồng thời chi cho một số chính sách giảm nghèo của tỉnh Quảng Nam ban hành; góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, nhất là việc làm, thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và thông tin. Cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn, miền núi, nhất là ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo được ưu tiên đầu tư; nhiều xã nghèo đã hoàn thành mục tiêu của Chương trình và thoát nghèo vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới; đã hạn chế tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới.
Có được kết quả nêu trên, tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 27/4/2016 tăng cường sự lãnh đạo của đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai và kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, lấy mức độ hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, đảng viên, tổ chức, đơn vị liên quan và địa phương; chỉ đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức triển khai và địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên theo dõi, đứng điểm các địa bàn huyện, thị xã và thành phố, nhất là huyện nghèo, xã nghèo để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo; các địa phương cũng thực hiện phân công đồng chí cấp ủy đứng điểm chỉ đạo ở các xã nghèo, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, quy mô hộ nghèo nhiều; cấp xã bố trí người theo dõi, thực hiện công tác giảm nghèo và cộng tác viên giảm nghèo để tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. Nhiều địa phương đã phân công cán bộ, đảng viên giúp hộ nghèo thoát nghèo có địa chỉ cụ thể.
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quyết định, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương. Quá trình thực hiện, tỉnh đã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án với nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, đặc biệt là lồng ghép, ưu tiên nguồn vốn ngân sách thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội miền núi của Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, chính sách tín dụng ưu đãi với Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững ban hành tại Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND để hỗ trợ hộ nghèo thực hiện phương án thoát nghèo theo đăng ký với địa phương;
Xây dựng Phần mềm trực tuyến riêng của tỉnh để quản lý hồ sơ, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua đó công khai minh bạch danh sách và kiểm soát chặt chẽ số lượng, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và diễn biến nghèo của từng địa phương, tạo thuận lợi cho các ngành, địa phương thực hiện chính sách giảm nghèo. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, phân loại, lập danh sách và hồ sơ quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo theo nguyên nhân nghèo, điều kiện, khả năng thoát nghèo để lập kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo theo từng nhóm đối tượng cụ thể. Kiên quyết loại khỏi danh sách điều tra ban đầu những hộ gia đình thanh niên trẻ tuổi, có sức khỏe, có lao động, đủ điều kiện học nghề, tìm kiếm việc làm nhưng chây lười, trông chờ ỷ lại vào chính sách của nhà nước dành cho người nghèo;
Phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ đoàn thể chính trị xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân, giúp cho hộ nghèo nhận thấy được trách nhiệm thoát nghèo chính là của gia đình, nhà nước và cộng đồng xã hội chỉ hỗ trợ một phần các điều kiện cần thiết để gia đình thực hiện kế hoạch thoát nghèo.
Ngoài việc luôn ưu tiên và bố trí đủ, kịp thời nguồn ngân sách tỉnh trong dự toán ngân sách đầu năm để đối ứng thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững và các chính sách của trung ương ban hành, tỉnh đã phát động phong trào "Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" và được các cấp, các ngành và các địa phương trong và ngoài tỉnh tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện; qua đó góp phần tạo nên nhiều nguồn lực phục vụ thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phân công cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kết nghĩa với xã nghèo; một số địa phương đã phân công cán bộ, đảng viên nhận giúp đỡ hộ nghèo hộ nghèo về kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, cải thiện tiêu chí thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.