THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:03

Quảng Nam: Nỗ lực xóa bỏ định kiến giới đối với cán bộ nữ

 

Giảm khoảng cách giới trong lao động, việc làm 

Với gần 60% lao động là nữ giới, mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; đã được tỉnh Quảng Nam triển khai sâu rộng; từng bước tạo sự chuyển biến. Theo đó, tỷ lệ lao động nữ được giải quyết việc làm đã có sự gia tăng đáng kể, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực này.

Cụ thể, năm 2011, tỉnh Quảng Nam giải quyết việc làm cho 38.000 lao động, lao động nữ chiếm 42%; đến năm 2012, trong số 38.300 lao động được giải quyết việc làm, có trên 47% là lao động nữ; năm 2013: 51% (trong 39.000 lao động); năm 2014 có 41.000 lao động, lao động nữ chiếm tỷ lệ 49%; năm 2015: 42.000 lao động, lao động nữ chiếm tỷ lệ 51,2%.

Đối với chỉ tiêu về đào tạo nghề,  giai đoạn 2011- 2015 là 166.916 người, trong đó tổng số lao động nữ được đào tạo nghề là 65.576 người, chiếm tỷ lệ 39,28%.

Tập huấn về bình đẳng giới cho phụ nữ tại Quảng Nam.        Ảnh: tư liệu

 Số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1956 cũng có sự gia tăng, giai đoạn 2011 - 2015 là 26.667 người, trong đó tổng số lao động nữ được đào tạo nghề là 10.998 người, chiếm tỷ lệ 41,24%.

Đặc biệt, đến nay, tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và nguồn tín dụng đã đạt 80%.

Nhiều nơi chưa có cán bộ chủ chốt là nữ

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tại địa phương, nhận thức của các cấp, ngành, xã hội đối với công tác bình đẳng giới đã có sự thay đổi đáng kể trong mọi mặt đời sống xã hội.

Tuy nhiên, không khó để nhận thấy, công tác bình đẳng giới tại tỉnh Quảng Nam vẫn còn không ít khó khăn dẫn đến nhiều chỉ tiêu Chiến lược đề ra khó đạt, như mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đối với Quốc hội chỉ có 1/8 người, chiếm 12,5%; đại biểu HĐND cấp tỉnh là 20,69% (giảm 4,73% so với nhiệm kỳ trước); đại biểu HĐND cấp huyện, thị xã, thành phố: 20,17% (giảm 3,02% so với nhiệm kỳ trước); đại biểu HĐND cấp xã: 17,92% (tăng 2,18% so với nhiệm kỳ trước).

Như vậy, so với chỉ tiêu Chiến lược tỉnh Quảng Nam đề ra là phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 – 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2015 từ 30% trở lên, nhiệm kỳ 2016 – 2020 trên 35%, đều không đạt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, đối với chỉ tiêu: 80% sở, ban, ngành, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ... cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị có 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có lãnh đạo chủ chốt là nữ... hầu hết cũng đều khó đạt.  Cụ thể, UBND tỉnh hiện vẫn chưa có cán bộ chủ chốt là nữ. UBND cấp huyện cũng chỉ có 5/18 huyện, thành phố, thị xã có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt tỷ lệ 27,77%, còn UBND cấp xã chưa thống kê được. Bên cạnh đó, những chỉ tiêu về tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp; tỷ lệ nữ thạc sỹ; tỷ lệ lao động nữ có chuyên môn kỹ thuật cũng có kết quả ở mức thấp.

Lý giải cho thực tế này, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan cũng phải kể đến yếu tố đặc thù khi Quảng Nam là một tỉnh ven biển miền Trung, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; tư tưởng định kiến giới còn tồn tại, nhất là định kiến đối với phụ nữ; vai trò của phụ nữ đối với gia đình tuy có chuyển biến theo hướng tiến bộ, bình đẳng so với nam giới, tuy nhiên nhìn chung vẫn còn những áp lực trong thực tế.   

GIANG SƠN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh