THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 08:05

Hành trình vượt khó của nông dân dám nghĩ dám làm

 

Đó là câu chuyện của những người nông dân tham gia chương trình “Sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng” do Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức.

Chị Lang Thị Hoa, Trưởng nhóm mây tre đan bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho biết, nhóm được thành lập từ năm 2013, các thành viên trong nhóm đều là người già, phụ nữ đơn thân. Nghề mây tre đan ở bản Diềm có từ lâu và chỉ làm đồ dùng trong gia đình không bán.

 

Chị Hoa giới thiểu sản phẩm đan của nhóm tại cuộc thi Sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng.

 

Theo lời kể của chị Hoa, trước đây người dân đã được sự hỗ trợ đào tạo nghề mây tre đan của một số chương trình, dự án nhưng không duy trì và phát huy được vì thu nhập mỗi người chỉ đạt 20 nghìn đồng/ngày. Bước ngoặt lớn nhất của nhóm là khi có sáng kiến nghiên cứu hoa văn dựa trên các tấm thổ cẩm ngày xưa để đưa vào sản phẩm đan lát. Từ đó, sản phẩm làm kỳ công hơn nhưng bù lại bán được nhiều hơn, giá cao hơn. Đến nay, thu nhập đã mỗi người đã đạt hơn 1 trăm nghìn đồng/ngày. Chị Hoa chia sẻ: “Bây giờ người dân đã sưu tầm được 12 kiểu hoa để làm mẫu đan. Thổ cẩm thì Đan bằng kim khá dễ nhưng khi đưa vào đan thì rất khó. Trước đây, mỗi ngày mỗi người chỉ đan được 1 cái rá nhưng nay đã có thể đan được 4 cái/ ngày. Các sản phẩm của nhóm bán nhiều nơi như Hà Nội, các hội chợ, quầy sản phẩm lưu niệm của vườn Quốc gia Pù Mát. Có được thành công đó là cả một quá trình vượt khó, sáng tạo của bà con nơi đây”.

Khi tham gia nhóm, các thành viên có thêm thu nhập và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống thường ngày. Đặc biệt, nhóm đã thành lập ra quỹ Tương trợ. Hàng tháng, mỗi người góp 20.000 đồng vào quỹ để lần lượt cho các thành viên trong nhóm vay phát triển sản, đặc biệt ưu tiên cho những gia đình cần tiền để lo việc học cho các con.

 “Nhóm chúng tôi đều là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, dân trì thấp và chúng tôi hiểu được cái khổ, cái nghèo nên quyết tâm vươn lên. Ban đầu nhóm có 17 thành viên thì 11 thành viên là hộ nghèo nhưng nay chúng tôi cùng nhau đoàn kết, giúp đỡ nhau nên chỉ còn 6 hộ nghèo. Sau khi tham gia dự thi “Sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng” được giải Ba, với số tiền thưởng được Ban tổ chức trao, chúng tôi đã mua 1 chiếc máy chuốt mây giúp giải phóng sức lao động cho người dân và làm nhanh hơn, đều và đẹp. Xã Châu Khê cũng hỗ trợ thêm 2 máy trị giá 40 triệu đồng để chẻ tre, vót tre. Hiện nay, chúng tôi đã thành lập được hợp tác xã, có chủ nhiệm hợp tác xã, kế toán, ban kiểm soát hợp tác xã. Đây là bước phát triển của nhóm. Thấy thu nhập tăng lên, người dân xin tham gia vào nhóm, đến nay lên đến 26 thành viên”, chị Hoa phấn khởi khoe.

Chị Sung giới thiệu sản phẩm đến du khách.

 

Hay Nhóm trồng lanh và thổ cẩm do chị Thào Thị Sung (Sa Pa, Lào Cai) là một điển hình về sự năng động tìm hướng đưa người dân thoát nghèo dựa vào thế mạnh địa phương. Chị Sung là người tâm huyết với đồng bào, cộng đồng, luôn trăn trở tư duy để đồng bào không phải đi bán hàng rong, không phải đi ăn xin khách du lịch. Với khả năng lãnh đạo và nắm bắt nhanh nhạy, trong thời gian ngắn nhóm đã đổi mới được mẫu mã thiết kế sản phẩm thổ cẩm đẹp hơn, ứng dụng hơn, được đánh giá cao và được kết nối với chuyên gia để xây dựng dần thương hiệu cho nhóm. Nhóm gắn kết với Doanh nghiệp xã hội - Sapa Ô Châu một thương hiệu về du lịch và các sản phẩm thổ cẩm như là đơn vị đối tác và nằm trong chuỗi sản phẩm, tham gia nhiều chương trình hội chợ quy mô quốc gia để giới thiệu quảng bá sản phẩm.

Trước nhu cầu phát triển và dưới sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia tư vấn hội thi, tháng 11/2016, Thào Sung đã vận động thành công Đoàn thanh niên xã Tả Phìn ủng hộ và đề xuất với UBND xã Tả Phìn ra quyết định thành lập Tổ hợp tác trồng lanh và phát triển sản phẩm thổ cẩm đồng bào Mông xã Tả Phìn, do Thào Sung làm Tổ trưởng. Tổ hợp tác có kế hoạch mở rộng thêm khu vực sản xuất bằng cách xây thêm một xưởng vừa may thêu vừa bán hàng, phát triển tập trung khoảng 2 ha trồng lanh ở gần xưởng để khách hàng có thêm điều kiện trải nghiệm và có thêm lượng nguyên liệu.

Không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà các chị còn vận động người dân tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỉ lại vào nhà nước. Chị Hòa, trưởng nhóm nuôi gà ri ở tỉnh Hòa Bình cho biết, trước đây mỗi hộ được hỗ trợ 100 con ngan để nuôi nhưng không được hướng dẫn kỹ thuật nên chỉ 10 hôm sau ngan chết hết vì không biết cho ngan uống vắc xin phòng bệnh. Từ đó, người dân rất sợ sản xuất, chăn nuôi theo phương pháp mới. “Từ khi được dự án hỗ trợ giảm nghèo trung ương hỗ trợ theo phương thức cầm tay chỉ việc người dân yên tâm áp dụng kỹ thuật mới để chăn nuôi. Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống khá giả, đầu tư cho con học hành. Ở địa phương vẫn còn số hộ luôn muốn trong danh sách hộ nghèo để được hỗ trợ tiền điện, muối, bột canh nên trông chờ ỉ lại không chị sản xuất. Lần nào  sinh hoạt nhóm tôi cũng vận động chị em không nhận hộ nghèo. Mình có sức khỏe thì phải sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế, không nên trông chờ nhà nước”, chị Hòa cho hay.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh