THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:27

Quảng Nam: Lá chắn xanh trên đảo

Xã đảo Tam Hải có 7 thôn, trong đó, có 2 thôn nằm tách biệt tạo thành cụm ốc đảo. Việc qua lại xã đảo đều bằng ghe thuyền. Dưới tác động thiên nhiên, hằng năm xã đảo đều chống chịu với sóng gió, từng diện tích đất bị lở dần về phía biển. Ông Hồ Quốc Thanh-Trưởng thôn Bình Trung, xã đảo Tam Hải, kể, thôn nằm bên Cửa Lở, hằng năm đều bị xói mòn, nước biển ăn sâu vào đất liền, mỗi năm người dân vùng Cửa Lở mất đi từ 10-20 mét đất. “Những hàng phi lao cũng bị cuốn, nhiều nhà dân chỉ còn trơ móng, nạn cát bay thổi len lỏi trên mái nhà. Nhiều người dân bỏ xứ ra đi”-Ông Thanh nói.

Đến năm 2014, chương trình Lá chắn xanh do Tổ chức Cứu trợ -Phát triển CRS hỗ trợ, trồng rừng chống biến đổi khí hậu được thực hiện 2 thôn, thôn Long Thạnh Tây và thôn Bình Trung, với tổng diện tích 42 ha, trong đó, thôn Bình Trung đã trồng hoàn thành 12 ha rừng ngập mặn.

Ông Thanh và chương trình bảo vệ rừng ngập mặn.ảnh:H.T

Tại thôn Bình Trung, một tổ bảo vệ được thành lập để bảo vệ rừng ngập mặn, hiện có 3 thành viên. Với chương trình dựa vào cộng đồng, tổ bảo vệ cùng người dân thực hiện trồng cây đước trên vùng ven cạn. Ông Thanh cho biết: “Cây tụ mầm ươm khoảng 3 tháng gồm cây 2 lá mầm, 3 lá mầm, trồng trong 1 năm hóa gỗ”. Cứ hàng cách hàng 1,6m, cây cách cây chừng 1m. Theo đó, cứ vào các ngày thủy triều xuống, tổ bảo vệ cùng người dân mang cây ươm mầm ra trồng vùng ven biển, cứ sau vài ngày lại vệ sinh cây và môi trường xung quanh.

Các phương tiện tàu ghe không được đi vào rừng đước để tránh làm đứt ngọn chết cây, không cho trâu bò ra vùng đước, kể cả những người bắt ngao, và không được phép chặt hạ cây lấy gỗ. Ông Thanh nói, nếu cố tình chặt phá sẽ xử lý dân sự.

Với chương trình này, thôn Bình Trung với diện tích 298ha đất sẽ được cộng sinh thêm vùng rừng ngập mặn bao quanh thôn lên 12ha, vừa tránh xâm thực, lở vùng cát ven biển. Ngoài ra, diện tích rừng nguyên sinh còn lại cũng được giữ vững. Như vậy, diện tích cộng sinh khi thực hiện dự án này sẽ nâng diện tích bồi đến 42ha toàn xã. Ông Nguyễn Tấn Hùng-Phó Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải, cho biết, sau khi rừng ngập mặn được trồng, người dân phía trong khu vực rừng bắt đầu đắp bờ làm ao nuôi, quay lại với mô hình nuôi tôm, vừa trồng rừng vừa giữ vệ sinh môi trường. Theo ông Hùng, người dân biết rằng chỉ cần giữ được rừng là giữ được lượng ôxi trong nước, cá tôm sẽ quay lại với ngư dân làng biển.

Ông Bùi Ngọc Thành, thôn Bình Trung, nhờ có rừng mà ông quyết định thuê lại các hồ tôm bỏ hoang cải tạo nuôi ao cá, tôm. Với tổng diện tích hồ 4.000m2, ông bỏ giống cá 25-30 triệu, mỗi vạn tôm giá 400.000 đồng.

Ngoài ra, với chương trình này, tổ tham gia bảo vệ còn được nhận 1 con bò lai sind 200kg, chăm sóc tạo quỹ hằng năm. Theo đó, khi con bò lai sind đẻ con thì bò con sẽ được giao cho một hộ trong tổ hoặc hộ nghèo của thôn để nuôi dưỡng phát triển kinh tế. Thôn Bình Trung có 2 con bò, một con cho hộ bà Đỗ Thị Xúm, chồng bà Xúm đi biển chết, con nheo nhóc mấy đứa, nhưng bà Xúm vẫn cố gắng vun vén con bò, trâu để hỗ trợ kinh tế, bà vừa đăng ký thoát nghèo bền vững, một con thuộc Tổ bảo vệ.

HUYỀN TRANG/Lao động và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh