Quảng Bình: Thực hiện Dự án Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh
- Y học 360
- 20:50 - 21/03/2022
Theo đó, dự án được thực hiện bởi những người sáng lập VARS, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, mà mục tiêu chính là vận động các nguồn lực xã hội để trồng và khôi phục rừng tự nhiên bằng những giống cây bản địa.
Theo đó, người dân và các địa phương được hưởng lợi từ dự án sẽ được hỗ trợ chi phí cây giống, chăm sóc và bảo vệ rừng đến năm thứ ba.
Ngoài trồng rừng, người dân cũng có thể trồng các loại cây ngắn ngày, cây thuốc nam, các mô hình nông-lâm kết hợp dưới tán rừng để bảo đảm sinh kế trước mắt và lâu dài.
Việc dự án khởi động nhằm hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh-Vì một Việt Nam xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Được biết, kể từ khi được khởi động ngày 21/3/2021, dự án đã hỗ trợ 43 hộ dân tại các xã, gồm: Lâm Hóa, Thanh Hóa, Hương Hóa, Kim Hóa, Thanh Thạch, Sơn Hóa, Đồng Hóa, Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa) tham gia trồng 80ha rừng các giống cây lâm nghiệp bản địa, như: De, lát hoa, gáo vàng, lim, vàng tâm, sưa đỏ...
Người dân tham gia sẽ được hỗ trợ giống cây trồng, phân bón và chi phí trồng, chăm sóc, với mức 5 triệu đồng/ha trong năm đầu, và 2,5 triệu đồng/ha trong năm thứ 2 và thứ 3.
Cùng với hoạt động trồng rừng, VARS và Trung tâm CEGORN đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo tồn rừng cho người dân, đồng thời, chia sẻ về vai trò, ý nghĩa của việc phục hồi rừng bằng cây lâm nghiệp bản địa.
Đây cũng là năm thứ 2, dự án được khởi động nhằm thực hiện mục tiêu trồng ít nhất 100ha rừng cây bản địa tại huyện Tuyên Hóa và huyện Minh Hóa.
Dự kiến đến năm 2030, dự án sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động đến các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Nam, Hòa Bình…, với mục tiêu trồng 1.000ha cây rừng bản địa.