THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:37

Gặp những người giữ rừng nơi đầu nguồn sông Hiếu

 

Đường vào vô cùng khó khăn.

Những người hùng giữ rừng

Từ Quốc lộ 48, vượt 21 con khe, chúng tôi có mặt tại chốt kiểm soát của tổ công tác kiểm lâm Bãi Bùng trên thượng nguồn sông Hiếu. Đây là chốt kiểm lâm vô cùng quan trọng thuộc Đội kiểm lâm cơ động số 3 Nghệ An. Trước đây khi chưa có chốt canh giữ này, lâm tặc thường xuyên phá rừng đầu nguồn và vận chuyển gỗ theo đường sông. Chỉ một đêm số gỗ phía rừng đầu nguồn đã được chuyển về tới huyện Nghĩa Đàn. Chính vì thế rừng đầu nguồn bị tàn phá không thương tiếc. Từ khi có chốt kiểm soát này, lâm tặc không thể đưa gỗ về xuôi bằng đường sông hay đường bộ thì “máu rừng đầu nguồn đã được cầm”.

 

Hằng ngày các kiểm lâm phải vượt 21 con khe để đến trạm bảo vệ rừng

 

Gần 15 năm nay, mặc dù chỉ nhận được khoản hỗ trợ ít ỏi, nhưng 5 người vẫn thay phiên nhau vượt núi, băng rừng, quyết tâm không để cho “lâm tặc” lấy đi một cây gỗ dù là nhỏ nhất.

Anh Phạm Ngọc Cương, một kiểm lâm cho biết: “Năm 2014, mình chuyển từ Nam Đàn về là vô đây luôn. Lần đầu vô đây là mùa đông. Đêm đầu tiên ngủ ở đây buồn không thể tả được. Vô được mấy ngày thì bắt được vụ đầu tiên. Lâm tặc tập kết gỗ trên khe Tép, xã Châu Nga, chuẩn bị cánh bè về. Nhận được tin báo, anh em lên bắt tại trận luôn. Nhiều đối tượng nó cũng chống đối, nhưng chủ yếu là bỏ chạy”.

Phía thượng nguồn sông Hiếu, bên này sông là Nghệ An, còn bên kia sông thuộc đất Thanh Hóa, nên việc bảo vệ cũng gặp khó khăn. Ngay khi chúng tôi có mặt tại chốt Bãi Bùng, cũng là lúc các cán bộ thuộc Ban quản lí rừng phòng hộ Sông Chàng, thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, đi tuần vừa đến khu vực này. Các kiểm lâm trạm Bái Bùng và các kiểm lâm Ban quản lí rừng phòng hộ Sông Chàng, gặp nhau trao đổi phối hợp bảo vệ rừng. Một cán bộ Ban quản lí rừng phòng hộ Sông Chàng, cho biết: “Phía trên này nước chảy mạnh lắm anh ạ, mùa lũ rất nguy hiểm. Đây anh xem em đi thuyền mà ướt hết này, lạnh lắm”.

 

Các cán bộ Ban quản lí bảo vệ rừng phòng hộ Sông Chàng, vào thăm và trao đổi phối hợp bảo vệ rừng với trạm Bãi Bùng.

 

Bên này sông Thuộc xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, bên kia sông thuộc xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân. Vì thế lâm tặc thường khai thác gỗ trái phép của rừng phòng hộ cả hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, vận chuyển theo đường sông về huyện Nghĩa Đàn tiêu thụ. Cả hai bên đều ở rất xa dân, lâm tặc lợi dụng vắng vẻ để vận chuyển gỗ. Nhiều lần lâm tặc lợi dụng lực lượng mỏng để chống đối.

Ông Phạm Đức Thành, đội Trưởng, Đội kiểm lâm cơ động số 3 Nghệ An, tâm sự: “Lần đầu tiên anh vô là năm 2004, lúc đó gỗ nhiều lắm, có ngày bắt được mấy chục m3. Tết năm đó, vì mới vào nên tập trung đông anh em đỡ buồn. Đêm đó mọi người vui vẻ, nhưng khi gần đón giao thừa, mọi người tổ chức hát hò. Có một anh hát bài xuân này con không về. Vừa hát thì mấy anh trẻ buồn khóc rưng rức…Nhiều khi cũng thương anh em, nhưng nhiệm vụ thì phải chấp hành thôi”.  

Chốt cô đơn

Việc chốt bảo vệ rừng tại chốt Bãi Bùng thiếu thốn đủ điều như không điện, không đường, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại đã đành. Nhưng điều mà ít ai hiểu được đó là nỗi cô đơn mà những cán bộ nơi đây phải trải qua.

 

Cán bộ kiểm lâm tâm sự với phóng viên.

 

Anh Nguyễn Hoàng Vân (SN 1985), cán bộ kiểm lâm chốt Bãi Bùng, cười: “Trước đây đang học em không biết là có những nơi công tác thế này. Khi ra trường về đây, mới thấy cái buồn khủng khiếp quá. Lần đầu tiên vô đây là lần đầu tiên thấy cảnh ni. Đi qua khe nước to ướt hết, lạnh kinh khủng luôn. Công tác ở đây một thời gian, người yêu lên thăm sau đó chia tay luôn. Người yêu về quê lấy chồng khác…”.

Hiện tại chốt thường xuyên có 3-5 người thay phiên nhau kiểm soát. Mỗi lần có 3 người, hai cán bộ kiểm lâm và một người phụ trách phòng cháy rừng. Điều đặc biệt là chốt bảo vệ này không kể ngày lễ tết. Tất cả các ngày trong năm đều có người canh giữ. Kể cả tết nguyên đán. Chính vì vậy cái khó khăn vất vả với những kiểm lâm nơi đây là nỗi buồn. NHất là những ngày lễ tết. Anh Nguyễn Thọ Kỳ, cán bộ kiểm lâm chốt Bãi Bùng, tâm sự: “Hai tết vừa rồi em trực cả, từ 26 đến mồng sáu tết. Vất vả, khổ sở thì anh em chịu được, nhưng buồn quá anh ạ. Không sóng điện thoại là điều khổ nhất. Nhớ vợ, nhớ con không biết làm sao. Hằng ngày anh em tự nấu ăn, làm nhiệm vụ, nhiều khi buồn không có ai nói chuyện tự nói một mình. Nhiều anh em trẻ vô được một thời gian, người yêu lên thăm là bỏ luôn. Em thì vợ lên thăm vô đến nơi là bật khóc luôn. Không tưởng tượng được chồng đang công tác tại vùng vất vả như thế này”.

 

 Ở đây rất lạnh, các kiểm lâm phải tự kiếm củi để đốt sưởi ấm cả ngày lẫn đêm

 

Chốt kiểm lâm Bãi Bùng, được mọi người gọi vui là chốt cô đơn, bới những thanh niên về đây công tác sau một thời gian vì nhiều lí do đều bị người yêu chia tay. Như Vương Thái Huy, Nguyến Văn Mạnh, Nguyễn Hoàng Vân, Bùi Văn Thái…

Anh Phạm Đức Thành, cho biết thêm: “Anh em cũng phải chịu khó. Chế độ không có thêm nhưng nhiệm vụ là phải hoàn thành. Tết nào cũng phải trực, mỗi tết 3 anh em, cứ thay phiên nhau trực. Tự nấu ăn đề làm nhiệm vụ. Chỉ mong có thêm người nấu ăn, phục vụ cho anh em làm tốt nhiệm vụ được giao”.

 

Thiếu nước sinh hoạt, các kiểm lâm phải thay nhau đi gánh nước về ăn uống.

 

Trên đường quay trở ra, cơn mưa rừng bất chợt đổ, trong tiếng gió thổi ào ào tôi vẫn nghe rõ từng tiếng anh cán bộ BQL nói với niềm vui: "Vất vả thì vất vả thật, nhưng niềm vui là bảo vệ được rừng, bảo vệ được biên giới, biên cương. Nên dù vất vả, buồn, nhưng anh em vẫn vui".

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh