Quảng Bình: Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
- Tây Y
- 18:41 - 15/01/2024
Đây là thành quả của cả hệ thống chính trị, trong đó, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, đúng đắn của Tỉnh ủy; sự quyết tâm triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của UBND tỉnh cùng các địa phương trong tỉnh thì công tác đảm bảo an sinh xã hội cũng đã góp phần quan trọng vào thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của tỉnh.
Được biết, trong năm 2023, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình đã tham mưu ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Điều 7 Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Kết quả thực hiện các dự án thành phần của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã và đang triển khai đầu tư và duy tu bảo dưỡng 35 công trình giao thông, giáo dục, thủy lợi, chợ, nhà văn hóa; có 31 mô hình và 17 dự án đã và đang trển khai như: nuôi bò lai sinh sản, lợn sinh sản, gà lai chọi, gà lai ri, ngan đen, trồng nấm sạch, làm nón lá, đan mây mỹ nghệ, hỗ trợ giống ngô, lạc... cho 1.823 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số... Có 23 dự án đã trình để UBND huyện thẩm định, phê duyệt và triển khai. Hiện nay các đơn vị đang triển khai thực hiện dự án về cải thiện dinh dưỡng”.
“Đến nay đã có 2.364 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong đó có: 651 lao động thuộc hộ nghèo, 911 lao động thuộc hộ cận nghèo và 291 lao động thuộc hộ mới thoát nghèo. Tư vấn, hỗ trợ đào tạo cho 360 người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng. Các địa phương đã hỗ trợ 12 lao động với số tiền 14,2 triệu đồng. Phân bổ cho Trung tâm DVVL Quảng Bình và Trung tâm DVVL thanh niên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc” – ông Nguyễn Trường Sơn chia sẻ thêm.
Được biết, đến nay, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức tập huấn hơn 1.000 cán bộ cấp huyện, xã, thôn, bản về nâng cao năng lực thu thập thông tin người lao động. Hiện nay đang triển khai thu thập thông tin của người lao động trên địa bàn tỉnh. Tập huấn cho hơn 10.166 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo, trợ giúp pháp lý, công tác xã hội, bình đẳng giới các cấp; tổ chức cho hơn 173 cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã đi học tập, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Thành lập 01 Đoàn liên ngành giám sát, đánh giá tại các huyện, thị xã, thành phố.
Kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo: toàn tỉnh có 41.439 lượt vay vốn tín dụng ngân hàng chính sách xã hội với số tiền 2,425 tỷ đồng, gồm: 4.915 hộ nghèo, 6.406 hộ cận nghèo, 8.458 lượt hộ mới thoát nghèo, 1.234 lượt hộ có học sinh, sinh viên, 14.441 lượt cho vay giải quyết việc làm, 33 lượt cho vay đi xuất khẩu lao động, 4.152 lượt cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, 135 lượt cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt, 1.665 lượt học sinh, sinh viên vay mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập.
Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,95/0,8% so với năm 2022, đạt 118,7% (hiện nay còn 10.473 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,05%); hộ cận nghèo giảm 0,75/0,5% so với năm 2022, đạt 150% (hiện nay còn 10.379 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,01%).
Dự kiến, năm 2024 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8% so với năm 2023 (giảm 2.000 hộ). Với các giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" đối với người nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, phát động phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”...