Quảng bá văn hoá Huế qua tủ sách, tà áo dài
- Văn hóa - Giải trí
- 21:04 - 20/10/2021
Theo Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” hướng tới mục tiêu chung là khẳng định giá trị, vị trí của Áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất Cố đô Huế và văn hóa Việt Nam. Tôn vinh nét đẹp văn hóa của Áo dài Huế, tôn vinh những người khai sáng và phát triển Áo dài Huế, Áo dài Việt Nam trong lịch sử hình thành và phát triển Việt Nam.
Thực hiện chủ trương xây dựng Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”, tháng 7/2020, Thừa đã tổ chức Hội thảo “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”; phối hợp tổ chức tọa đàm “Phục hưng Quốc phục Việt và đưa áo dài truyền thống vào cuộc sống đương đại” trong khuôn khổ các hoạt động Ngày hội Áo dài và Liên hoan Ẩm thực Huế 2020; định kỳ tổ chức Ngày hội Áo dài và hoạt động tri ân Chúa Nguyễn Phúc Khoát, người khai sáng Áo dài truyền thống Việt Nam. Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đang phối hợp tổ chức chương trình Áo dài và Điện ảnh cùng các hoạt động Áo dài cộng đồng trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII được diễn ra vào ngày 18/11/2021, tại Học viện Âm nhạc Huế.
Bên cạnh đó, đã xuất bản sách “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” để tuyên truyền, quảng bá về giá trị của Áo dài trong dòng chảy văn hóa lịch sử vùng đất Cố đô Huế, đồng thời khẳng định Huế là chiếc nôi của Áo dài truyền thống Việt Nam. Đã xuất bản ấn phẩm Văn hóa Huế đăng tải các chủ đề về phát huy giá trị di sản Áo dài. Tổ chức triển lãm online “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”.
Đối với Đề án Tủ sách Huế, việc xây dựng Đề án chính là quảng bá văn hóa Huế, phát triển văn hóa đọc. Qua đó, góp phần lưu giữ, quảng bá những nguồn tư liệu, các ấn phẩm vê Huế đến đông đảo độc giả trong và ngoài nước. Hiện, Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế đã tổng hợp danh mục 127 ấn phẩm tiêu biểu từ danh mục của Thư viện Tổng hợp, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô, NXB Thuận Hóa cung cấp.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành đã tập trung thảo luận, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai các Đề án. Từ đó có phương án xử lý, điều chỉnh cụ thể để phối hợp thực hiện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án trong thời gian tới.
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, việc xây dựng Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” không chỉ gắn liền với áo dài nữ mà còn phải chú trọng vào áo dài nam. Từ đó, qua áo dài, văn hóa Huế được quảng bá rộng rãi và hiệu quả, đồng thời, tôn vinh nét đẹp dịu dàng của người mang trên mình chiếc áo dài Huế. Ông Thọ cho rằng, việc xây dựng hoàn thiện đề án phải dựa trên tính khoa học, trí tuệ, tâm huyết của người thực hiện, từ đó mới có sản phẩm mang tầm quốc gia, mang lại hiệu quả cao trong quá trình thực hiện.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về giá trị lịch sử văn hóa của Áo dài truyền thống; khẳng định Huế là Huế là Kinh đô của Áo dài Việt Nam. Đồng thời, cần khai thác, phát huy vị thế giá trị Áo dài Huế, phát triển ngành nghề may đo Áo dài Huế. Hình thành các không gian trưng bày, triển lãm, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang Áo dài.
Đối với Đề án Tủ sách Huế, ông Phan Ngọc Thọ đề nghị các Sở, ban ngành liên quan cần khẩn trương triển khai công việc tiếp theo, trong đó tiến hành họp bàn, thống nhất tuyển chọn ấn phẩm vào Tủ sách Huế là nhiệm vụ hàng đầu. Tiến hành điều chỉnh các công việc được giao theo kiến nghị, đề xuất của các Sở, ban ngành tại cuộc họp để đảm bảo tiến độ thực hiện đề án đã đề ra.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khẳng định, việc xây dựng và hình thành Tủ sách Huế có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển văn hóa đọc cũng như giới thiệu quảng bá hình ảnh Huế qua sách và xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực...