Quan tâm giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ
- Bài thuốc hay
- 22:32 - 17/06/2019
50% lao động là bộ đội xuất ngũ tại Hà Nội có trình độ cao
Phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho bộ đội xuất ngũ được Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức thường xuyên nhằm hỗ trợ quân nhân xuất ngũ sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống và tránh lãng phí một nguồn lao động có tay nghề, có tính kỷ luật. Các phiên giao dịch việc làm này thu hút hàng trăm tham gia tuyển dụng với hàng nghìn vị trí công việc.
Trung tá Bùi Minh Nam, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, Trường Trung cấp nghề số 10, Bộ Tư lệnh Thủ đô khẳng định, tạo cơ hội việc làm cho bộ đội xuất ngũ là một chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội, nhằm tạo ra một lực lượng lao động ưu tú cho đất nước, đồng thời góp phần xây dựng nền tảng chính sách hậu phương quân đội.
Những năm gần đây, việc định hướng nghề nghiệp, tổ chức tuyển dụng bộ đội xuất ngũ đã qua đào tạo nghề vào làm việc tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp... đã được cấp ủy và chính quyền các địa phương quan tâm.
Theo ông Nam, hiện tại tất cả các khu đoàn, binh chủng lực lượng bộ đội xuất ngũ đều rất đông. Riêng với Hà Nội, bộ đội xuất ngũ hàng năm ra quân khoảng 4.000 người, trong đó 50% có trình độ cao, song vẫn có những quân khu tại vùng cao, bộ đội xuất ngũ có trình độ thấp.
Do đó, ông Nam cho rằng làm gì để giúp họ có việc làm luôn là sự trăn trở của quân đội và chính quyền địa phương. “Cần có các cơ chế phối hợp để giải quyết việc làm cho số bộ đội xuất ngũ đã có bằng cấp. Chẳng hạn với các em học cao đẳng, đại học ra trường, khi ra quân hoàn thành nghĩa vụ đều được giới thiệu việc làm. Còn những em chưa có bằng cấp, vừa học hết lớp 12 sẽ được giới thiệu đến các trường học trung cấp nghề, sơ cấp nghề”, ông Nam nói.
Đánh giá về bộ đội xuất ngũ, quân nhân sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Nam cho rằng đây là lực lượng đã được học tập, rèn luyện nề nếp chính quy, tính kỷ luật và chấp hành kỷ luật từ trong quân đội. Họ lại có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong nhanh nhẹn, có khả năng ứng phó và xử lý các tình huống cấp bách do đã được luyện tập trong quân ngũ. Những tố chất đó sẽ giúp họ trở thành lực lượng lao động tốt của các đơn vị, doanh nghiệp.
Dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ
Bình Dương, Đà Nẵng: Tạo mọi điều kiện để bộ đội xuất ngũ có việc làm ngay sau khi học nghề
Không chỉ tư vấn học nghề, thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) và Sở LĐ-TB&XH tỉnh bình Dương đã phối hợp giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ sau khi học nghề. Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp nên rất cần nhân lực có tay nghề. Đối với bộ đội xuất ngũ, doanh nghiệp càng ưu tiên tuyển dụng hơn ai hết bởi đây là những con người có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong nhanh nhẹn, có khả năng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách do được rèn luyện trong quân ngũ, khi tham gia thị trường lao động họ dễ dàng bắt nhịp với môi trường công việc tại doanh nghiệp. Đó là cơ hội tốt để bộ đội xuất ngũ có việc làm ngay sau khi học nghề, điều này càng giúp họ tự tin khi chọn học nghề. Riêng trung tâm luôn tạo mọi điều kiện để bộ đội xuất ngũ có việc làm ngay sau khi học nghề.
Ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, trước đây, trong tỉnh chỉ có trường Cao đẳng Nghề số 22 tiếp nhận, dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ. Quân nhân xuất ngũ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ được trường thanh toán trên cơ sở số thẻ học nghề do ngân sách bảo đảm thông qua Bộ CHQS tỉnh. Hiện nay kinh phí và tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ học nghề cho bộ đội xuất ngũ do Sở LĐ- TB&XH thực hiện. Sở đang lập dự trù kinh phí hỗ trợ học nghề cho bộ đội xuất ngũ. Kinh phí dự trù được thông qua sẽ quy định rõ mức hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho bộ đội xuất ngũ học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh chứ không phải riêng trường Cao đẳng Nghề số 22. Chính sách nhân văn này sẽ tạo cơ hội cho nhiều quân nhân hoàn thành nghĩa vụ có được một nghề sơ cấp tại các trường để có việc làm ổn định.
Còn theo Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng, từ năm 2016 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo cho 1.720 bộ đội xuất ngũ có hộ khẩu thường trú Đà Nẵng. Qua điều tra thực tế, trên 80% số lượng học viên học nghề được giải quyết việc làm ngay khi tốt nghiệp, hiện còn gần 10% học viên được đào tạo nghề nhưng chưa tìm được việc làm.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết việc kết nối người lao động với doanh nghiệp được Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức thường xuyên thông qua các sàn giao dịch việc làm. Theo đó, tổ chức luân phiên giao dịch việc làm tại 3 điểm định kỳ thứ 6 hằng tuần; ngoài ra, hằng năm tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm di động. Do vậy, người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm có thể đến các trung tâm và sàn để được kết nối tìm việc làm phù hợp. Ông An cũng cho biết trong thời gian tới sẽ chủ trương cho các ngành xây dựng Đề án hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm riêng cho các nhóm đối tượng là quân nhân xuất ngũ.