CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:31

Cao Bằng: Nhiều giải pháp tạo việc làm tại chỗ cho lao động trẻ

Lao động trẻ rời quê lên phố - Thiếu hụt nguồn nhân lực phát triển KT-XH địa phương

Xã Đức Long, huyện Hòa An (Cao Bằng) có trên 1.500 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu, thế nhưng trên các cánh đồng trồng rau màu của xã thấy rất ít bóng dáng thanh niên từ 18 - 35 tuổi. Sở dĩ, ít lao động trẻ ở nhà là do không có việc làm thường xuyên, thu nhập từ đồng ruộng lại thấp. Ít ruộng, vườn nên một số thanh niên sau khi tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp không tìm được việc làm đã “ly nông, ly hương” đi đến các thành phố ngoại tỉnh để mưu sinh.

Thực trạng trên cũng diễn ra ở xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa - nơi trồng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh Cao Bằng. Ở đây rất cần lao động trẻ trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển mía, nhưng tại các cánh đồng mía chỉ thấy các bà, các mẹ đã 50 - 60 tuổi, hay những phụ nữ trẻ đem theo con nhỏ đang chăm sóc mía. Việc lao động trẻ khỏe của xã Đại Sơn kéo ra thành thị tìm việc làm đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp; giá ngày công lao động mùa thu hoạch mía tăng cao trong khi chất lượng, năng suất thấp vì phần lớn lao động là người già. Trong khi địa phương rất khó giữ lao động trẻ ở lại nông thôn, thì nhiều thanh niên đã học nghề nhưng không thể làm nghề. Mặt khác, người dân không có vốn để đầu tư phát triển ngành nghề hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Dù lên thành phố làm việc lương không cao, nhưng dẫu sao cũng có thu nhập ổn định. Chừng đó là đủ thu hút lực lượng khá lớn thanh niên nông thôn.

Chợ lao động ở các thành phố lớn, nơi tập trung rất nhiều lao động di cư đang khiến nhiều địa phương thiếu hụt lao động trẻ trầm trọng (Ảnh minh họa)

 

Cần có những giải pháp hỗ trợ, tạo việc làm tại chỗ cho lao động tại địa phương

Theo Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, lực lượng lao động từ 15 - 49 tuổi trên địa bàn tỉnh hiện có trên 361.000 người; trong đó lực lượng thanh niên gần 150.000 người, chiếm 28,82% dân số và 50,6% lực lượng lao động của tỉnh. Giai đoạn  2015 - 2019, tổng số lao động được tạo việc làm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt bình quân hơn 10.000 người/năm (số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cao Bằng). Tuy vậy, đào tạo nghề để lao động trẻ có việc làm tại chỗ lại rất ít được quan tâm. Giải quyết được bài toán đào tạo nghề để lao động trẻ có việc làm tại chỗ sẽ là giải pháp then chốt, hạn chế tình trạng lao động trẻ kéo ra thành thị làm việc, khiến lao động nông thôn ngày càng trở nên khan hiếm.

Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để tạo việc làm tại chỗ cho lực lượng lao động nông thôn, trong đó có lực lượng lao động trẻ như: Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động… Đồng thời, Sở cũng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề với việc làm; xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động… Trong lĩnh vực nông nghiệp, các ngành chức năng tỉnh phải xác định đào tạo nghề, lựa chọn nghề đào tạo là để làm nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Điều này sẽ góp phần thu hút được lực lượng lao động nông thôn, trong đó có lực lượng lao động trẻ.

Bên cạnh đó, hiện nay, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cao Bằng, năm 2019, từ nguồn vốn phân bổ của Chương trình mục tiêu quốc  gia về xây dựng nông thôn mới, Sở sẽ chỉ đạo Trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng đào tạo 3 nghề là nghề hàn, nghề sản xuất ván nhân tạo và nghề vận hành máy thi công nền. Đây là ba nghề trọng điểm hướng tới việc khai thác tiềm năng sẵn có của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Sở LĐ-TB&XH sẽ có những giải pháp để tạo điều kiện cho lao động trẻ địa hương tham gia những khóa đào tạo ba nghề trọng điểm này.

HÀ PHƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh