Quan niệm dân gian về Tết Đoan Ngọ
- Y học 360
- 13:56 - 25/06/2020
Theo triết lý y học Đông Phương, hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan Ngọ đều lên đến tột bậc.
Một số món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ.
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được dân gian quan niệm là ngày Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Sở dĩ ngày này được gọi là "Tết giết sâu bọ" vì đây là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi, dịch bệnh dễ phát sinh nên dân gian có nhiều tục trừ, phòng bệnh trong cơ thể và cộng đồng.
Theo quan niệm dân gian, Tết Đoan Ngọ là ngày Tết giết sâu bọ trú ngụ trong cơ thể con người. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể giết được chúng mà chỉ có đúng ngày 5/5 âm lịch hàng năm. Hoa quả, rượu nếp cẩm phải ăn vào sáng sớm 5/5 âm lịch, khi vừa ngủ dậy, chưa làm vệ sinh cá nhân.
Tết Đoan Ngọ xưa là do nhân dân lao động cùng nhau sáng tạo. Người nông dân với nghề lúa nước luôn đòi hỏi phải quan sát thời tiết, cố để tránh tối đa những tác hại của nó và tận dụng hữu hiệu những lợi thế mà tự nhiên mang lại, nhờ vậy mà phong tục Tết Đoan Ngọ hình thành.
Hiện ở một số làng quê, sau Tết Nguyên Đán, Tết giết sâu bọ là Tết sum họp đầm ấm và có nhiều tục lệ gắn kết đời sống người dân. Người ta quan niệm rằng, đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái và cúng tổ tiên để mong mùa màng bội thu.
Dù xã hội phát triển, vận động, có thể nhiều gia đình cho rằng để giết sâu bọ hay dịch bệnh phải bằng những cách khác mới hiệu quả. Tuy nhiên, bản chất sự hình thành những phong tục văn hóa là hướng về tổ tiên, gia đình, giáo dục lòng biết ơn, thể hiện lối sống trọng quan hệ và trọng tình cảm của người Việt Nam.