CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:18

Quan niệm 'diệt sâu bọ' trong ngày tết Đoan Ngọ

Bánh gio, loại bánh được ăn vào dịp Tết Đoan ngọ. (Ảnh minh hoạ).

Bánh gio, loại bánh được ăn vào dịp Tết Đoan Ngọ. (Ảnh minh hoạ).

Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ quan trọng trong truyền thống của người Việt Nam, thường diễn ra vào ngày mùng 5/5 âm lịch hàng năm.

Nói về quan niệm 'diệt sâu bọ' trong ngày tết Đoan Ngọ, theo báo Vietnamnet, quan niệm này liên quan đến việc trồng trọt và tập quán nông nghiệp của người Việt từ xa xưa.

Theo quan niệm của người Việt, tết Đoan Ngọ là ngày mà mọi người sẽ diệt trừ sâu bọ bằng cách ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc khi vừa thức dậy.

Ngày 5/5 âm lịch cũng là ngày các con cháu chuẩn bị mâm cơm thắp hương để bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên đồng thời mong muốn có một mùa màng bội thu. Tùy vào từng vùng miền và dân tộc sẽ có những vật phẩm cho mâm cỗ cúng khác nhau.

Quan niệm "diệt trừ sâu bọ" của người Việt liên quan đến nhiều truyền thuyết khác nhau về ngày tết Đoan Ngọ.

Một trong những truyền thuyết kể rằng, đầu tháng 5 là kết thúc vụ lúa Chiêm, bước vào đầu vụ Mùa. Thời điểm này, sâu bọ phát triển nhiều. Người dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục.

Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ đàn lũ té ngã rồi đi mất. Lão ông nói: 'Sâu bọ vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng'. Dân làng biết ơn, định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất.

Để tưởng nhớ sự việc, dân chúng đặt cho ngày này là 'Tết diệt sâu bọ', có người gọi là tết Đoan Ngọ, vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Theo báo điện tử VOV.VN, người Việt cũng quan niệm rằng 12 giờ trưa ngày 5/5 (giờ Ngọ) là thời điểm mặt trời toả ánh nắng tốt nhất trong năm, là lúc dương khí mạnh nhất, thực vật có được tinh túy của đất trời nên có công dụng chữa được nhiều thứ bệnh. Vì thế mọi người rủ nhau đi hái lá thuốc như ngải cứu, đinh lăng, tía tô, kinh giới... đem về phơi khô để dành dùng dần quanh năm.

Báo này cũng dẫn lời nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vỹ: "Trong một xã hội phát triển như ngày nay có thể nhiều gia đình cho rằng, để giết sâu bọ hay dịch bệnh phải bằng những cách khác mới hiệu quả. Nhưng theo tôi, ý nghĩa lớn nhất của ngày Tết Đoan Ngọ của người Việt là gìn giữ những phong tục văn hóa hướng về tổ tiên, gia đình, giáo dục lòng biết ơn, thể hiện lối sống trọng tình cảm của người Việt Nam đồng thời lưu truyền ý thức tìm hiểu về cây thuốc, phòng và chữa bệnh. Chính vì thế Tết Đoan Ngọ còn mang ý nghĩa của ngày "Y dược toàn dân".

BM (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh