Tết Đoan Ngọ, ăn bánh ú tro thế nào để không tăng cân?
- Y học 360
- 15:10 - 24/06/2020
Bánh ú tro không phải được làm từ tro. Loại bánh này được làm từ gạo nếp ngâm trong nước tro tàu nên người ta gọi giản dị là bánh ú tro hoặc bánh tro hay một số vùng gọi là bánh gio.
Mặc dù cách làm bánh ú tro dung dị, giản đơn như cái tên của nó nhưng không vì thế mà hễ thèm lên là sẽ mua được loại bánh này. Bánh ú tro chỉ được làm vào mỗi dịp Tết Đoan Ngọ và góp mặt trong mâm cơm cúng, vì vậy càng làm cho người ta cảm thấy chộn rộn, nôn nao muốn thử loại bánh đơn giản mà khó tìm này, nhất là mỗi khi nghe ai nhắc "Mai Tết Đoan Ngọ rồi đó, mua chục bánh ú tro để cúng chưa?"
Bánh ú tro miền Tây được làm từ gạo nếp, đậu xanh có trộn với đường, được gói trong lá tre nên ở quê hay gọi với cái tên là bánh ú lá tre. Vào tết Đoan Ngọ thể nào các bà các mẹ cũng phát cho mỗi đứa nhỏ mấy cái bánh ú tro nói là "Ăn bánh ú mừng Tết Đoan Ngọ nghen tụi con!"
Mà người Sài Gòn thì hay có phong tục biếu bánh cho nhau ăn lấy thơm lấy thảo. Thế là bánh ú tro ăn hoài không hết mà để ngoài thì sẽ chua phần nhân hoặc phần nếp thì uổng mấy cái bánh ú tro dữ lắm. Dễ gì có mà ăn hoài!
Cả xóm xúm xít lại làm bánh ú tro chuẩn bị cho tết Đoan Ngọ.
Nên chị em nào dư dả bánh ú tro mà muốn để dành ăn dần thì có thể tham khảo cách bảo quản dưới đây:
Ở nhiệt độ phòng (20 độ C) thì bảo quản được 4 -5 ngày. Sau thời gian này thì bánh có thể hư, ẩm mốc... Với thời tiết nắng nóng như hiện tại thì bạn đừng nên để ở ngoài qua đêm mà nên bỏ vào ngăn mát tủ lạnh. Khi dùng thì lấy ra hấp nóng lại sẽ mềm thơm như ban đầu.
Hoặc bạn có thể luộc lại bánh và để ráo, sau đó bỏ vào túi sạch và bảo quản ở ngăn đông thì sẽ bảo quản được lâu hơn (khoảng 10 ngày) tuy nhiên ăn càng sớm thì chất lượng bánh sẽ ngon hơn.
Vì bánh ú tro làm từ nguyên liệu gạo nếp nên người tiểu đường và người ăn kiêng nên lưu ý để ăn bánh ú tro vừa ngon vừa không ảnh hưởng sức khỏe nhé!
Gạo nếp là loại thực phẩm có chỉ số đường huyết GI cao. Điều này có nghĩa là ăn những món ăn chế biến từ gạo nếp sẽ khiến lượng đường trong máu của người dùng món ăn tăng cao.
Các chuyên gia khuyến cáo người bị tiểu đường không nên ăn quá nhiều đồ nếp. Người bị tiểu đường nên ăn những loại thực phẩm có chỉ số đường thấp để dễ dàng kiểm soát lượng đường trong máu và không làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng nghiêm trọng ở người bệnh.
Một cái bánh ú tro đậu xanh sẽ chứa khoảng 500 – 1.400 calo tùy theo nhân bánh ú mà lượng calo trung bình có thể khác nhau. Bánh ú tro không nhân là ít calo nhất. Bánh ú có thịt heo, trứng muối, đậu xanh thì sẽ chứa hàm lượng calo rất cao.
Trong đó, chén nước tro tàu chứa 200 calo, 100gr bột nếp chứa khoảng 370 calo. Nên người bình thường chỉ nên ăn khoảng từ 1 – 2 cái mỗi ngày thôi bạn nhé!