CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:28

Vấn nạn tham nhũng tại Đông Nam Á đang làm suy yếu kinh tế

 

Cần thiết lập một thể chế khu vực về phòng, chống tham nhũng

Tổ chức Minh bạch quốc tế đưa ra lời cảnh báo: Vấn nạn tham nhũng tại Đông Nam Á đe dọa sẽ làm suy yếu các kế hoạch thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực. 
Nếu muốn đạt được các kỳ vọng về khối thịnh vượng chung, chu chuyển tự do hơn nữa về hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề v..v.., các nhà lãnh đạo ASEAN cần thiết lập một thể chế cấp khu vực để lồng ghép các nguyên tắc phòng, chống tham nhũng vào khuôn khổ của cộng đồng kinh tế cấp khu vực mà ASEAN đang hướng tới.

Theo tổ chức Minh bạch quốc tế, việc thành lập Cộng đồng Liêm chính ASEAN như một cơ chế điều phối ở cấp khu vực rất là cần thiết để có thể nhanh chóng xác định và lồng ghép các giải pháp chính sách quan trọng về phòng, chống tham nhũng vào khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tầm nhìn chiến lược của ASEAN sau năm 2020. 

Nếu không, các hoạt động kinh tế xuyên biên giới có thể sẽ làm tham nhũng tăng nhanh.

“Đông Nam Á là nơi có những nền kinh tế thịnh vượng và phát triển nhanh nhất, đồng thời cũng là nơi có những người dân nghèo nhất thế giới. Đấu tranh chống tham nhũng là một phần tất yếu để giảm bất bình đẳng thu nhập và đảm bảo sự phát triển bền vững,” Bà Natalia Soebagjo, Chủ tịch tổ chức thành viên của Minh bạch quốc tế tại Indonesia (TI-Indonesia), phát biểu.

Tham nhũng tiếp tục là vấn nạn đối với hầu hết các quốc gia ASEAN. Theo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2014, 9 quốc gia trong khu vực chỉ đạt điểm số trung bình là 38/100 (trong đó 100 là rất trong sạch và 0 đồng nghĩa với tham nhũng nghiêm trọng). Trong khi đó, khoảng 50% người dân ASEAN khi được hỏi đã cho rằng tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục tăng, và chỉ có 1/3 đánh giá các nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ là có hiệu quả, theo Phong vũ biểu Tham nhũng Toàn cầu 2013, cuộc khảo sát lấy ý kiến người dân do tổ chức Minh bạch quốc tế thực hiện.

Tham nhũng là vấn nạn nghiêm trọng trong ASEAN

Trong bối cảnh tham nhũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng trong khu vực, Cộng đồng Liêm chính ASEAN là một cơ chế thiết thực. Thông qua cộng đồng này, ASEAN có thể thiết lập các chính sách phòng, chống tham nhũng hiệu quả, ban hành các đạo luật và chiến lược, đạt được các định chế phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ và hiệu quả, tăng cường hợp tác lẫn nhau trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng và tạo cơ hội để tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự và doanh nghiệp trong khu vực.

Để đạt được các kết quả trên, báo cáo đưa ra các khuyến nghị đối với chính phủ các nước ASEAN và kêu gọi thiết lập một cơ chế thực hiện và giám sát hiệu quả, cụ thể là Nhóm công tác ASEAN về Quản trị và Liêm chính. Nhóm công tácnày sẽ bao gồm một ủy ban liên bộ, đại diện của xã hội dân sự và khu vực doanh nghiệp.

“Chính phủ các nước ASEAN nên tuyên bố và xác định tầm nhìn cho cộng đồng liêm chính ASEAN,” Ông Srirak Plipat, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Minh bạch quốc tế phát biểu. “Cộng đồng doanh nghiệp và xã hội dân sự cần đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ chính phủ trong việc hiện thực hóa tầm nhìn chung của Cộng đồng Liêm chính ASEAN.”

Những quốc gia ASEAN đầu tiên ủng hộ Cộng đồng liêm chính

Đó là Chính phủ Malaysia và Myanmar. hai quốc gia này đã thể hiện sự ủng hộ đối với việc thành lập Cộng đồng Liêm chính ASEAN.

“Chúng ta cần tổ chức các cuộc họp cấp bộ để xác định các ưu tiên và xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, bởi việc này đã nhiều lần bị trì hoãn trong thập kỉ qua và đang ngày càng trở nên cấp thiết. Chúng ta cần tạo ra cơ chế cho doanh nghiệp và xã hội dân sự tham gia đóng góp nhằm xây dựng một khung hành động mang tính chiến lược và toàn diện cho Cộng đồng Liêm chính ASEAN, thay cho phương thức tiếp cận mang tính chất cơ hội và nội bộ trước đây,” ông Plipat nói.

Các khuyến nghị được đưa ra trong báo cáo khẳng định lại cam kết của các nước ASEAN đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, các cơ quan công quyền chưa thực hiện tốt minh bạch và trách nhiệm giải trình, vẫn còn thiếu vắng các đạo luật phòng, chống tham nhũng quan trọng và sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vẫn bị giới hạn.

Chỉ có Indonesia và Thái Lan là hai quốc gia đã thông qua đạo luật về tự do thông tin, trong khi nhiều cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng trong khu vực chưa thể thực hiện tốt chức năng của mình do thiếu tính độc lập và năng lực hạn chế- Tổ chức Minh bạch quốc tế cho biết.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh