Quản lý Uber, Grap như công ty taxi là bước lùi của Việt Nam
- Tây Y
- 17:29 - 22/03/2018
Ngày 8/3, tại phiên thảo luận về dự thảo nghị định thay thế nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói: “Phải quản lý Uber, Grab như một hãng taxi. Nếu không quản được theo hướng này sẽ chưa ban hành nghị định mới”.
Trước phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, ông Jerry Lim, giám đốc Grab Việt Nam đã có văn bản phản hồi gửi bộ GTVT, cũng như các cơ quan báo chí.
Mô hình Grap là lợi thế của nền kinh tế chia sẻ thời 4.0.
Đại diện Grab Việt Nam cho rằng, lợi thế của nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ biến mất nếu bị buộc phải áp dụng mô hình kinh doanh như công ty taxi. "Định danh Grab là công ty taxi không chỉ phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ, nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam mà còn là một bước lùi của Việt Nam trong quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0", ông Jerry Lim cho biết.
Theo lãnh đạo Grab Việt Nam, hãng đang hợp tác kinh doanh với hàng trăm đối tác là công ty vận tải và hợp tác xã, những người đang tận hưởng lợi ích từ việc kết nối và hợp tác với nền tảng công nghệ mở của Grab. Việc sở hữu và quản lý đội xe chính là thế mạnh của các đối tác này và họ sẽ phải chịu cảnh sụt giảm doanh thu nếu họ bị "quản" như taxi.
Theo lãnh đạo Grab, các tài xế muốn dùng xe cá nhân cấp dịch vụ vận tải thông qua ứng dụng Grab vì muốn có cơ hội tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, họ sẽ không bao giờ muốn quay lại cảnh phải mua lốt của hãng taxi, bị bó buộc về thời gian, bị khoán doanh thu và bị ép chia doanh số với hãng như trước đây.
"Là một công ty công nghệ, chúng tôi hỗ trợ kết nối xe taxi, xe máy và ôtô gần nhất với khách hàng một cách hiệu quả. Chúng tôi không sở hữu xe hay bất cứ tài xế nào", ông Jerry Lim cho biết.
Theo lãnh đạo Grab, hãng đang xây dựng cả một hệ sinh thái kết nối hàng loạt dịch vụ cho khách hàng, từ giao thông, logistics cho đến ví điện tử giúp khách hàng có thể thanh toán các nhu cầu hàng ngày, ngoài di chuyển.
Ông Jerry Lim hy vọng: “Chính phủ Việt Nam sẽ có một cách tiếp cận cởi mở và toàn diện khi hoạch định chính sách quản lý các nền tảng công nghệ số mới, để Việt Nam có thể bắt kịp cuộc đua toàn cầu hướng đến nền kinh tế kỹ thuật số. Cả khu vực Đông Nam Á đang dõi theo, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang dõi theo động thái của Chính phủ Việt Nam trong sự kiện này”. Cũng trong văn bản này, phía Grab Việt Nam cũng có lời hứa rằng, “Sẽ tiếp tục mang đến Việt Nam những thành quả công nghệ sáng tạo đột phá của Grab, mà người dân các quốc gia Đông Nam Á (Singapore, Malaysia và Thái Lan) khác đang tận hưởng, điển hình là dịch vụ JustGrab, cũng như xây dựng hệ sinh thái kết nối hàng loạt dịch vụ cho khách hàng, từ giao thông, giao nhận thức ăn, logistics, cho đến ví điện tử...”
Nếu hoạt động theo mô hình taxi, loại hình xe Grab, Uber sẽ gặp khó khăn như bị khống chế số lượng hoạt động tại các địa phương, xe phải gắn phù hiệu taxi, lái xe có chứng chỉ nghiệp vụ, được tập huấn, có hợp đồng...