Hà Nội: Xe buýt cũng bị Taxi Grab và Uber cạnh tranh
- Tây Y
- 21:53 - 07/06/2016
Ông Quang dẫn số liệu thống kê, 5 tháng đầu năm 2016, lượng khách đi xe buýt sụt giảm 5% so với kế hoạch do phương tiện cá nhân gia tăng, việc tổ chức thi công các công trình trọng điểm của thành phố ảnh hưởng đến hoạt động vận hành của xe buýt và khả năng tiếp cận xe buýt của hành khách...
Hiện nay mạng lưới vận chuyển hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt của Hà Nội gồm 92 tuyến, trong đó 72 tuyến buýt có trợ giá (trong đó 57 tuyến buýt đặt hàng, 15 tuyến đấu thầu), 12 tuyến buýt không trợ giá và 8 tuyến buýt kế cận; với tổng chiều dài tuyến gần 1.913,6km, vận hành trên 11.272 lượt/ngày; vận chuyển trên 1,17 triệu lượt khách/ngày”, ông Quang cho biết.
Trong 5 tháng đầu năm 2016 đã vận chuyển 177,5 triệu lượt hành khách (đạt 95% so với kế hoạch). Mạng lưới tiếp tục được mở rộng, cải thiện, hợp lý hóa, với 35 lần điều chỉnh đối với 24 tuyến, trong đó do tổ chức giao thông, hợp lý hóa mạng lưới là 32 lần; điều chỉnh mở rộng vùng phục vụ đối với 3 tuyến tiếp tục vươn tới các khu dân cư xã Tân Dân, Phú Túc thuộc huyện Phú Xuyên; khu công nghiệp Quang Minh... chuyển đổi mô hình quản lý đối với 10 tuyến từ 1/4/2016. “Chất lượng phục vụ của xe buýt 5 tháng đầu năm 2016 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quản lý trợ giá tiếp tục được quan tâm tăng cường, trong đó kinh phí trợ giá năm 2014 là 1.078 tỷ đồng, năm 2015 là 973,6 tỷ đồng, dự kiến 2016 là 823 tỷ đồng. Tỷ lệ trợ giá/chi phí 2014 là 55,3%, 2015 giảm xuống 54%, dự kiến 6 tháng 2016 giảm đến 50,7%”, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết.
Bên cạnh đó, hạ tầng xe buýt có nhiều biến động nhưng vẫn đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân. Do tiếp tục được quan tâm đầu tư và phát triển, trong 5 tháng đầu năm đã thực hiện hơn 2.214 lượt duy tu duy trì pano, biển báo với kinh phí 2,8 tỷ đồng; thực hiện đấu nối và chiếu sáng vào hệ thống nhà chờ xe buýt cho 163 nhà chờ và 5 điểm trung chuyển. Với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ gồm trên 2.245 điểm dừng, gần 364 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 79 điểm đầu cuối, 1 làn dành riêng đã góp phần cải thiện chất lượng phục vụ của mạng lưới. Bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác tiếp tục chịu áp lực giao thông rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, sản lượng, ông Quang nhấn mạnh.
Cụ thể, chất lượng dịch vụ, sản lượng của xe buýt giảm do phương tiện cá nhân tăng 10% (ô tô 300 nghìn xe, tăng 10%; xe máy 5,5 triệu xe, tăng 6%). Đồng thời xuất hiện các loại hình cạnh tranh mạnh mẽ với xe buýt như Uber, Grab taxi, số hành khách sử dụng vé tháng đi thường xuyên giảm (đây là nhóm hành khách đi làm, đi học); xu hướng sử dụng xe đạp điện làm phương tiện đi lại trong giới học sinh, sinh viên có xu hướng tăng lên.
Tình trạng chiếm dụng hạ tầng xe buýt, quảng cáo rao vặt làm mất mỹ quan, chiếm dụng lòng đường vỉa hè gây khó khăn cho xe buýt ra vào điểm đón khách, gây nguy hiểm cho hành khách lên xuống xe... vẫn còn khá phổ biến. Công tác đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trên đường cũng như trên xe buýt còn nhiều diễn biến phức tạp. Hiện tượng trộm cắp, móc túi trên xe tại các điểm trung chuyển, hiện tượng xe buýt vi phạm Luật Giao thông, va chạm với hành khách... vẫn tồn tại. Thống kê cho thấy 5 tháng đầu năm có gần 40 vụ vi phạm Luật Giao thông liên quan đến xe buýt, ông Quang cho biết.
Để tăng cường năng lực vận chuyển của mạng lưới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách bằng xe buýt, đảm bảo hành khách được sử dụng dịch vụ xe buýt thuận tiện, an toàn, ông Quang cho biết, Sở sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục để đưa vào vận hành 2 tuyến không trợ giá thành trợ giá là tuyến 72, tuyến 82; tổ chức đấu thầu 5 tuyến buýt (số 71, 73, 78, 80, 83) để đưa vào vận hành từ 1/10/2016.