THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:38

Quản lý hội nhập, hướng tới việc làm tốt hơn

 

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp hoan nghênh sáng kiến của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong việc đưa ra nghiên cứu “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới Việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung”. Thứ trưởng nhấn mạnh: Hội thảo là việc làm rất có ý nghĩa và bổ ích, giúp chúng ta phần nào hiểu hơn về tác động của hội nhập khu vực đối với các lĩnh vực đang chịu trách nhiệm và đề xuất giải pháp hội nhập tốt hơn.

 Theo báo cáo, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước được hưởng lớn từ những tác động của hội nhập kinh tế khu vực, đặc biệt là năng suất lao động trong ngành công nghiệp, tăng trưởng việc làm. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực thấp, khả năng cạnh tranh thấp, tỷ lệ lao động làm việc phi chính thức lớn so với các nước trong khu vực.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Hội thảo đã tạo diễn đàn mở cho các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các sở, ban ngành có thể trao đổi trực tiếp, thẳng thắn về các cơ hội, thách thức cũng như đề xuất một số kiến nghị, giải pháp cho việc hoạch định chính sách, nhằm giúp Việt Nam chuẩn bị kỹ càng hơn cho hội nhập khu vực một cách hiệu quả và bền vững. Thông qua các tham luận trong từng lĩnh vực, các đại biểu có thể hình dung rõ hơn về các cơ hội cũng như các thách thức đó.

Cụ thể, trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, hiện giáo dục dạy nghề của Việt Nam đang bị phân tầng, trình độ tay nghề thấp. Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời sẽ thực hiện tự do luân chuyển 5 yếu tố căn bản: Vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. Sự “tự do” này vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, vừa là thách thức khi một lượng lớn lao động từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước. Ngoài ra, khi tham gia Cộng đồng, ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, người lao động còn cần có ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác. Nếu người lao động Việt Nam không ý thức được điều này thì sẽ thua ngay trên “sân nhà” bởi chúng ta khó cạnh tranh về trình độ tay nghề, chuyên môn với nhiều quốc gia trong AEC. Bên cạnh đó, việc hoạch định chính sách cũng như thực thi chính sách tại Việt Nam hiện chỉ từ phía Chính phủ, thiếu sự tham gia của các hiệp hội, các doanh nghiệp. Điều này một phần nào hạn chế tính thực tiễn trong việc thực thi chính sách.

Về lĩnh vực việc làm, lợi thế của nước ta trong hội nhập chủ yếu là ở quy mô nguồn lao động dồi dào và thể chế chính trị tốt. Tuy nhiên, cơ cấu đầu tư và chất lượng việc làm kém vì phần lớn tập trung vào gia công - dẫn đến cơ cấu kinh tế và chuyển dịch lao động rất chậm. Do đó, cần có định hướng phát triển kinh tế ngay từ đầu có tính tới yếu tố việc làm. Điều này có thể nhằm tránh việc các nhà đầu tư nước ngoài mang công nghệ quá tối tân vào Việt Nam, trong khi người lao động Việt Nam chưa đủ trình độ làm chủ công nghệ, biến người lao động Việt Nam chỉ là các công việc tay chân hết sức giản đơn, cản trở việc nâng cao kỹ năng của người lao động.

Về lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc hợp pháp tại nước ngoài, trong nội khối ASEAN, hiện Malaysia là thị trường lớn nhất với hơn 88.000 lao động. Lao động chủ yếu của Việt Nam sang các nước khu vực là lao động phổ thông, trình độ tay nghề cấp trung bình và thấp, không thuộc 8 nhóm ngành nghề chịu tác động trước mắt của hội nhập đã được thông qua bởi các Thỏa thuận về công nhận tay nghề tương đương (MRS). Tuy vậy, để có thể làm tốt việc đưa người lao động phổ thông đi làm việc tại nước ngoài, chúng ta cũng cần phải rà soát lại chính sách trong nước nhằm phù hợp với tình hình hiện nay, đồng thời chuẩn bị hành trang tốt hơn cho người lao động Việt Nam về ngoại ngữ và trình độ để có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Liên quan tới lĩnh vực an sinh xã hội (ASXH), việc xây dựng hệ thống ASXH vững mạnh là một mục tiêu quan trọng của các quốc gia ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trước thềm hội nhập 2015. Vấn đề này được Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực thực hiện thông qua việc đạt được các thành tựu trong 4 trụ cột: Việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội cho nhóm yếu thế và dịch vụ xã hội cơ bản. Bên cạnh đó, một loạt các chính sách, luật quan trọng được Quốc hội thông qua trong năm 2014 và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới là một minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm của phía Việt Nam nhằm đảm bảo ASXH cho người dân trước những tác động của hội nhập.

Thanh Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh