Hàng trăm hộ dân “chết khát” trong khu đô thị cao cấp
- Huyệt vị
- 22:40 - 09/05/2016
Bà Phạm Thị Lưu phải khoan giếng và đầu tư hệ thống lọc nước hơn 50 triệu đồng. Ảnh: PB
Đã 2 năm, vẫn dài cổ… “khát”
Khu đô thị chức năng Ao Sào nằm trên địa bàn phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội hay còn được chủ đầu tư (Công ty Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5) đặt với cái tên “rất Tây”, rất mĩ miều: Khu chức năng đô thị Ao Sào - Lexington Etaste. Tuy nhiên, để đến được khu đô thị này, chúng tôi phải đi lòng vòng hơn một tiếng đồng hồ, dừng lại hỏi thăm nhiều lần mới tìm đến nơi.
Ấn tượng để lại trong chúng tôi trên đường đến Lexington Etaste là bụi bay mịt mù, hai bên cỏ dại mọc um tùm, nhiều ngôi mộ hoang nằm cô quạnh.
Hỏi thăm về cuộc sống ở “Khu chung cư cao cấp” này, ông Vũ Văn Cơ (65 tuổi), một cư dân ở đây chát chúa: “Cao cấp gì, đường vào thì bẩn thỉu như các anh thấy đấy, muỗi nhiều như ong vỡ tổ. Hai thứ thiết yếu nhất là điện chiếu sáng thì “kêu” mãi mới được lắp, còn nước sinh hoạt đến nay, gần 100 hộ dân sinh sống ở đây cũng chưa được dùng một giọt nào từ hệ thống ống nước của tòa nhà”.
“Nghe quảng cáo về một khu đô thị hiện đại, chất lượng công trình tốt, dân trí cao, cùng nhiều hạng mục phụ trợ như trường học, cây xanh, bãi đỗ xe tập trung, vườn hoa, nhà văn hóa… nên tôi đã quyết định mua căn hộ số ...TT5.2 ở đây với giá hàng tỉ đồng. Tháng 9/2014, gia đình tôi chuyển về ở cùng nhiều gia đình khác mới thấy sự bất cập và hối hận”, ông Cơ bức xúc.
Theo ông Cơ, trong gần 2 năm qua, để khắc phục tình trạng không có nước sạch, gia đình ông phải mua hàng trăm mét ống nước, rồi đến đặt vấn đề với những người dân sống gần khu đô thị bán lại với giá 50. 000 đồng/m3. Ngoài ông Cơ, còn có hàng chục gia đình khác cũng chung tình cảnh này. “Khi nhận nhà, nhân viên Ban quản lý còn xuống yêu cầu chúng tôi nộp thêm 7,2 triệu đồng/căn để được cấp điện nước nhưng suốt 2 năm nay nước vẫn chẳng thấy đâu”, ông Cơ nói tiếp.
Nhiều hộ dân ở đây cho biết, khoản phí trên thực chất là “phí bôi trơn”, nhưng trong các giấy thu tiền, nhân viên Ban quản lý đều ghi là “đã hoàn thành nghĩa vụ” về tài chính cung cấp điện và nước. “Khoản tiền này thì chúng tôi không tiếc, nhưng bức xúc là tiền đã nộp mà nước sinh hoạt chẳng thấy đâu. Nói thật, sống ở khu đô thị mang tiếng là “cao cấp” nhưng khổ hơn ngoài đảo. Chúng tôi vẫn gọi khu Ao Sào thành “ao cạn” rồi”, bà Lâm, vợ ông Cơ bày tỏ.
Mất 50 triệu đồng khoan giếng vẫn phải đi mua nước sạch
Cũng chung nỗi khổ như gia đình ông Cơ, bà Lâm là gần 100 hộ dân khác đã chuyển về đây sinh sống. Mặc dù bỏ tiền ra đầu tư ống nước, mua lại của dân sở tại với giá cắt cổ nhưng không phải lúc nào cũng có nước dùng vì đường dẫn dài, nước yếu nên tình trạng hết nước, thiếu nước vẫn thường xuyên xảy ra.
Trước thực trạng “đã đâm lao thì phải theo lao”, nhiều hộ gia đình bất đắc dĩ phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng ngay trong… nhà để có nước sinh hoạt. Bà Phạm Thị Lưu, số nhà 33TT5.2 cho biết, nước thì chủ đầu tư không cấp, nhưng khi khoan giếng thì họ không cho vì sợ phá vỡ kết cấu chung. Đấu tranh mãi, nhà bà Lưu mới được khoan giếng, đầu tư thêm máy bơm, hệ thống lọc mất tới hơn 50 triệu đồng. “Có nước để dùng thì mừng nhưng xung quanh đây là nghĩa trang, nước ao hồ tù đọng, bãi rác nên chúng tôi sợ chả dám dùng để ăn uống. Để yên tâm, gia đình tôi đã mang mẫu nước đi kiểm nghiệm, kết quả cho thấy chỉ số Asen và Amoni ở ngưỡng rất cao. Tuy nhiên, không dùng nước này thì biết lấy nước ở đâu. Kêu cứu thì chủ đầu tư lúc nào cũng chỉ ậm ừ và không trả lời được bao giờ có nước sạch cho người dân sử dụng”, bà Lưu tâm sự.
Để chứng minh lời nói của mình, bà Lưu đưa chúng tôi đến nhà, mở cái vòi nước giếng khoan chưa qua hệ thống thanh lọc thì nước vàng khè. Các dụng cụ đựng nước bị cặn bám vàng ố.
Thiếu nước đã khổ, nhưng tình trạng ô nhiễm, bệnh tật còn khiến người dân lo lắng thêm. Chị Bùi Mai Hồng, chủ căn hộ số 21TT5.1 cho biết, ngày trước khi mới tiếp cận dự án thấy chủ đầu tư giới thiệu hoành tráng là có trường học, vườn hoa, bãi đỗ xe trung tâm, khu văn hóa, giải trí nhưng nay chả thấy đâu, đến cái tối thiểu là nước sinh hoạt, đường đi trải nhựa hoặc bê tông cho sạch sẽ cũng không có. Điều khiến những gia đình ở đây vô cùng lo lắng nữa là nguy cơ nhiễm bệnh sốt xuất huyết rất cao.
Chỉ vào hàng trăm căn nhà liền kề đã hoàn thiện nhưng vẫn bỏ trống, cỏ dại mọc xanh, cao hơn cả đầu người, nhiều người cho biết, mặc dù đã có hơn 300 người nhận nhà, nhưng đến nay mới có khoảng dưới 100 hộ chuyển về đây ở. “Nguyên nhân là đường sá bụi bặm, nước chưa có, hệ thống tiện ích cũng chẳng có một thứ gì ra hồn cả. Nói thật, ở đây giống hoang đảo hơn là khu đô thị cao cấp”, chị Dung, một người dân bức xúc.
Ngoài những bức xúc nói trên, nhiều người dân còn “tố” chất lượng của công trình ở đây “có vấn đề”. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù mới đưa vào bàn giao cho khách hàng và nhiều ngôi nhà chưa có người ở nhưng đã có hiện tượng nứt toác ở trần nhà, tường bao. Nhiều hộ dân vừa chuyển đến được một vài tháng đã có hiện tượng trần bị thấm dột, phải dùng xi măng gắn lại. Đặc biệt, người dân ở đây còn nghi ngờ chủ đầu tư trốn thuế khi giá thực mọi người bỏ ra là 25 triệu đồng/m2, nhưng chủ đầu tư chỉ ghi giấy biên nhận là 18 triệu đồng/m2. Cũng như theo cam kết ở hợp đồng, sau khi nhận nhà 3 tháng, mọi người sẽ nhận được sổ đỏ. Tuy nhiên, gần 2 năm nay kể từ ngày nhận nhà, chưa một hộ gia đình nào trong KĐT này được cầm trên tay tấm sổ đỏ.
Tất cả những thắc mắc ở trên, người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới Ban quản lý tòa nhà cũng như Chủ đầu tư, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng và chưa có câu trả lời chính thức sẽ giải quyết những vướng mắc trên như thế nào.
“Về đây ở, chúng tôi thường xuyên phải chịu cảnh ô nhiễm nghiêm trọng khi rác thải được tập trung ngay bên hông nhà, cả tuần không được dọn đi khiến ruồi muỗi phát triển nhanh, sau 2 – 3 ngày phun thuốc, ruồi muỗi lại bâu đầy. Vào tháng 10/2015, cả trăm hộ dân ở đây hầu như nhà nào cũng có người bị sốt xuất huyết. Như nhà tôi đây, cả hai vợ chồng và đứa con lớn đều bị sốt xuất huyết trong đợt đấy”, chị Mai cho biết. |