THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:44

Quan chức kê tài sản gian dối, lấy gì đảm bảo người nhà họ kê đúng?

 

Liên quan đến ý kiến của Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đề xuất phải áp dụng kê khai tài sản kể cả với những người thân trong gia đình quan chức khi sửa Luật phòng chống tham nhũng, bên hành lang QH sáng 31/10, PV báo Người Đưa Tin đã có trao đổi với các ĐBQH về đề xuất này.

ĐBQH Bùi Sĩ Lợi: "Đề xuất phi lý và không hiệu quả".              Ảnh: Đỗ Thơm

ĐBQH Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề Xã hội của QH cho rằng: “Việc kê khai tài sản của những người có chức vụ là nguyên tắc của Đảng, Nhà nước. Đối tượng nào thuộc diện phải kê khai thì kê khai. Không thể nói đối tượng là người thân của người thuộc diện kê khai phải kê khai tài sản. Điều đó là không đúng.

Người thuộc trách nhiệm kê khai tài sản là phải trung thực. Anh là cán bộ, là đảng viên, anh có chức tước thì phải trung thực. Nếu các vị đó kê khai không trung thực thì làm quản lý, làm lãnh đạo làm gì?

Theo tôi, mong muốn kiểm soát được tài sản của người thân những người có chức vụ là chính đáng nhưng không thể thực hiện hiệu quả được. Vì bản thân người đó kê khai không trung thực thì bắt người thân họ kê khai làm sao đảm bảo là chính xác. Đó là chuyện phi lý và không hiệu quả.

Tôi khẳng định lại mong muốn đó là chính đáng nhưng không thực tế và không thể thực hiện được. Bản thân người ta là cán bộ, là Đảng viên, có chức có quyền mà người ta không tự giác kê khai đúng thì nói gì đến chuyện người thân của họ kê khai đúng”.

ĐBQH Phan Thái Bình: "Cứ kê khai như thế thì biết kê khai đến bao giờ". Ảnh: Đỗ Thơm

Đồng quan điểm về việc cho rằng khó có thể thực hiện hiện quả việc kê khai tài sản người thân của người có chức vụ, ĐBQH Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho rằng: “Thực ra đề xuất người thân của người có chức vụ quyền hạn phải kê khai tài sản để phòng chống tham nhũng rất khó áp dụng vào thực tiễn và không khả thi.

Hiện tại chúng ta đang áp dụng với những người có chức vụ, quyền hạn ở cấp quản lý phải kê khai tài sản. Trong thực tế, chúng ta đã làm. Quan trọng là phải làm sao giám sát được kê khai tài sản có trung thực, chính xác hay không.

Thứ hai là quy định về công khai tài sản, chúng ta có quy định rồi nhưng phạm vi công khai rất hẹp. Mới chỉ công khai trong tổ chức cơ quan, trong cán bộ với nhau. Tôi đề nghị muốn làm tốt việc này, phương án kê khai tài sản của người thân rất khó khả thi và không cần thiết. Quan trọng nhất là giám sát, kiểm tra cho được việc kê khai có trung thực hay không.

Việc kê khai còn phải công khai tại nơi cư trú, nơi công tác để mọi người dân đều biết, giám sát. Chứ không chỉ công khai trong cơ quan, trong tổ chức như hiện nay. Việc kiểm tra phải tiến hành định kỳ. Ngay khi có thông tin về việc kê khai tài sản công không minh bạch, không đầy đủ, không chính xác, chúng ta phải kiểm tra giám sát nghiêm túc.

Đặc biệt nếu phát hiện kê khai gian dối, không trung thực, phát hiện ra rồi, tài sản đó không giải trình được đều phải được tịch thu. Thực ra, đề xuất người thân của người có chức vụ phải kê khai nếu người ta có hành vi tham nhũng, kê khai không trung thực thì chưa hẳn họ đã dùng người thân đứng tên các tài sản của họ. Họ có thể dùng nhiều hình thức để đánh lừa cơ quan chức năng. Nếu cứ kê khai như thế thì biết kê khai đến bao giờ. Tôi cho rằng đề xuất này không hiệu quả, không khả thi”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh