THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:41

Quán 81 Trần Quốc Thảo: “Đại bản doanh” một thời của người làm báo LĐ&XH

 

 

Quán 81 Trần Quốc Thảo khi ấy là một trong những nơi tụ tập của cánh phóng viên đông đảo nhất, đặc biệt là từ 11 giờ trưa đến 2 giờ chiều.

1. “Muốn biết thông tin gì đang “nóng”, cứ ra 81 là biết được hết”, anh Nguyễn Thiện, một trong những phóng viên đầu tiên về báo LĐ & XH thời điểm báo được thành lập, đưa ra lời khuyên đối với những đồng nghiệp mới nhập cuộc.

Hồi ấy, người viết vừa từ một tỉnh miền Trung chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, cố gắng tìm mọi cách để sớm tiếp cận với không khí báo chí “nóng hầm hập” ở Sài Gòn - khác một trời một vực so với báo chí ở tỉnh. Chính vì thế, được giới thiệu một địa chỉ mà chỉ cần đến đó là có đề tài, có nguồn tin với tôi chẳng khác nào “chết đuối vớ được cọc”.

Một ngày giữa tháng 9/1993, tôi cùng vài đồng nghiệp trẻ lần đầu đặt chân đến quán 81. Khác với hình dung ban đầu, đó chỉ là một quán bình dân, chẳng khác mấy so với hàng trăm quán nhậu “cóc” ở đất Sài thành hào sảng nhưng bình dị: Những cây cột sắt chống giữa bãi đất, lợp những tấm tôn cũ kỹ, phía dưới đặt những bộ ghế nhựa, bàn thiếc tuềnh toàng… Thế nhưng, khi bước chân vào đó lập tức bị “choáng” khi thấy “tụ hội anh tài” đủ cả, từ Mai Bá Kiếm, Lê Minh Quốc của báo Phụ nữ TP.HCM, Đông Ki Rét của Tuổi Trẻ Cười, cho tới nhiều nhà văn, nhà thơ trước giờ chỉ nghe tên chứ chưa hề gặp mặt: Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Phan Vũ, Thảo Phương… rồi cả những nhạc sĩ như Phạm Trọng Cầu, Diệp Minh Tuyền, và nhất là Trịnh Công Sơn. Đúng là ở trong môi trường đó, với những con người đó, mọi thông tin trong đời sống ngồn ngộn sự kiện dường như đều được nắm bắt và xử lý một cách vô cùng nhanh chóng, dưới nhiều góc nhìn độc đáo khác nhau…

Có điều khiến tôi lấy làm ngạc nhiên, đó là mặc dù có rất nhiều bàn nhậu bao gồm những người nổi tiếng và không ít người “vô danh tiểu tốt”, nhưng có vẻ mọi người không quan tâm tới điều đó. “Đã đến đây tất cả đều là bạn, quan hệ bình đẳng với nhau hết. Còn muốn xưng là “người nổi tiếng” thì đi chỗ khác ”, nữ sĩ Thảo Phương (đã qua đời) giải thích với tôi như vậy, khi thấy tôi có vẻ “sợ sệt” trước những “thần tượng” một thời của mình.

Chính vì dễ tạo nên mối quan hệ gần gũi, thân thiết, nên mọi người không ngại chia sẻ thông tin cũng như các góc nhìn nhận, đánh giá, bình luận sự kiện thời sự ngay trên… bàn nhậu.

Không chỉ vậy, nhờ được trò chuyện với nhiều “cây đại thụ” trong làng văn chương, nên nếu chịu khó tiếp thu thì bút pháp thể hiện của người làm báo cũng nhanh chóng được nâng lên đáng kể.

 

 

2. Đó là lý do khiến những phóng viên trẻ của báo LĐ - XH thường xuyên có mặt ở nơi này. Mà Lương Định là một điển hình.

Thời ấy, có “giai thoại” rằng Lương Định rất đào hoa. Kể ra cũng đúng, bởi anh vừa đẹp trai, phong độ, lại vừa ăn nói có duyên, còn mang “mác” nhà báo nữa, nên lắm cô mê như điếu đổ. Ngay tại quán 81, chúng tôi từng chứng kiến nhiều cô gái bám riết lấy nhà thơ, nhà báo họ Lương. Thế nhưng, anh lại… không dám léng phéng. Bởi người vợ của anh khi ấy tỏ ra rất chu đáo trong việc chăm sóc anh. Chuyện rằng, cứ sáng sớm người phụ nữ ấy lại dắt chiếc xe máy của anh ra cây xăng đổ đầy bình, còn không quên nhét vào ví anh ít tiền để trưa “chén chú chén anh” với bạn bè. Nhờ khoản “trợ cấp” đều đặn của vợ mà hầu như ngày nào Lương Định cũng có mặt ở quán 81. Và tại đây, anh đã lấy không ít tư liệu để viết nên bộ phóng sự “Sài Gòn ăn, Sài Gòn làm, Sài Gòn chơi” nổi tiếng, như một lời “chào hàng” đầy sức nặng với báo LĐ - XH.

Vậy mà khi chúng tôi hỏi về “giai thoại” được vợ “chăm sóc kỹ lưỡng”, anh chỉ cười, chẳng nói có, cũng chẳng nói không…

Nhiều cây bút khác của báo trong giai đoạn ấy như Nguyễn Thiện, Chí Thảo (sau này chuyển sang báo Thanh Niên, lấy bút danh là Nguyên Thủy), Hoài Nam (sau này chuyển sang báo Sài Gòn giải phóng), Danh Hải (hiện là Trưởng Văn phòng đại diện báo Thể Thao Việt Nam tại TP.HCM), Duy Khanh và cả nữ phóng viên Mai Mai… cũng thường xuyên góp mặt trong các bàn nhậu ở quán 81 trong suốt những năm từ 1993 đến sau 2000.

Dần dà, chúng tôi thấy địa chỉ đó trở nên vô cùng thân thuộc, nhất là khi nhận ra ngoài bãi xe có một “nhân vật đặc biệt”. Bãi xe của quán 81 rất rộng, những giờ cao điểm, xe máy xếp lớp trong lớp ngoài, tương ứng với số lượng khách đông đảo trong quán. Và “nhân vật đặc biệt” ấy chính là người đàn ông trông giữ xe. “Đặc biệt” ở chỗ, mặc dù khách đông như vậy, khách quen nhiều, khách lạ cũng chẳng ít, nhưng có vẻ người giữ xe nhớ mặt chủ nhân từng chiếc xe. Hễ nhác thấy dáng ai trong quán đứng dậy là anh đã dắt xe ra ngoài chỗ trống, giao tận tay chủ nhân, đố sai lần nào!

Không chỉ biết “mối quan hệ” giữa người và xe, mà anh còn biết cả cơ quan làm việc của từng người. Như chúng tôi, có lần anh hỏi khá kỹ về một loạt bài phóng sự xã hội mới đăng trên LĐ&XH, đồng thời còn cung cấp thêm những “tình tiết bên lề” liên quan tới đề tài đó. Anh chia sẻ rằng, “đứng ở ngoài bãi xe, nhưng tôi vẫn lắng tai nghe chuyện của “mấy ổng” ở trong, nên cũng biết chuyện được… chút chút”.

Cái “chút chút” ấy của người trông xe nhiều phen khiến chúng tôi không khỏi thán phục.3. Một nhà nghiên cứu văn học đã tóm lược một cách rất cô đọng và chính xác về những tính cách thường góp mặt ở quán 81 thời bấy giờ: “Phải công nhận, mỗi văn nghệ sĩ là một tính cách, tâm tính rất dễ được bộc lộ trong khi say. Một “đại ca” không nhớ tên, chỉ cần sau khi vào ba “ve” là đọc thơ văng đầy quán. Một nhà phê bình, khi xỉn bắt đầu ngồi diễn thuyết hàng giờ về sứ mạng văn học nhờ bia. Đôi lúc cũng có máu (mũi) đổ vì “thụi” nhau khi chữ nghĩa không còn khả năng thuyết phục đối phương. Nhưng lát sau lại cụng ly “huề nhé” (Trần Thanh Đạm).

Không chỉ ghi nhận những cuộc hội ngộ vui vẻ, mà quán 81 cũng chứng kiến nhiều cuộc chia ly đẫm nước mắt. Ngay chính trong thời điểm quán đông khách nhất thì những Diệp Minh Tuyền, Phạm Trọng Cầu, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn… lần lượt chia tay cõi tạm. Riêng báo LĐ&XH cũng “đóng góp” 2 cái tên từng là “khách quen” của quán 81 sớm chia tay cõi trần, đó là Quân Bảo và Phạm Thảo - một phóng viên, một nhân viên quảng cáo.

Giờ thì quán 81 không còn nữa. Thay vào đó là một khu nhà mới xây làm trụ sở làm việc của Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, ở đó có quán cà phê máy lạnh, phòng kiếng trổ cửa nhìn ra đường. Không còn những nhà báo, những văn nghệ sĩ tới lui chén chú chén anh vui vẻ, hào hứng như trước. Mà cũng chẳng có một địa chỉ nào khác đủ sức để thay thế quán 81.Vì thế, mỗi lần đi ngang góc đường Trần Quốc Thảo - Tú Xương, trong lòng những phóng viên báo LĐ &XH “đời đầu” vẫn không khỏi bồi bồi, xao xuyến nhớ về một thời tưởng đã xa, về những con người từng rất gần gũi, thân thuộc, giờ đã biền biệt phương nào…

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh