CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:49

'Làm sáng tỏ sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải là sứ mệnh của người làm báo'

 

* Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ nhà báo tống tiền doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, đặc biệt các nhà báo trẻ hiện nay?

- Đạo đức nhà báo là vấn đề cốt lõi, là nền tảng của hoạt động báo chí. Nếu không có đạo đức, nhà báo không thể hoàn thành chức trách nhiệm vụ của mình với xã hội, đất nước. Nhà báo phải thể hiện bản lĩnh, phẩm chất và năng lực của mình trong việc làm rõ sự thật, bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý, chống lại cái ác, cái xấu và vun đắp những giá trị tốt đẹp trong xã hội.

Những năm gần đây, đời sống báo chí ngày càng sôi động và chịu tác động mạnh mẽ, nhiều chiều của thời cuộc, tâm lý xã hội, truyền thông kỹ thuật số, mạng xã hội, cũng như những vấn đề khác như tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm… Báo chí là tấm gương soi của xã hội. Thực trạng xã hội hiện nay có những điều làm chúng ta phấn khởi, nhưng cũng có những điều làm chúng ta đau lòng, báo chí phản ánh hiện thực đó, nhưng vấn đề quan trọng là tâm thế và trách nhiệm của nhà báo khi phản ánh như thế nào.

Phải thấy rằng đại đa số nhà báo chúng ta đã giữ vững đạo đức nghề nghiệp, đóng góp to lớn trong việc khẳng định những giá trị tốt đẹp và góp phần xứng đáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiều nhà báo thể hiện phẩm chất dấn thân, sáng ngời đạo đức nghề nghiệp và khi họ làm nhiệm vụ, họ không nghĩ đến lợi ích riêng. Họ chỉ mong muốn sự thật được làm sáng tỏ, sự thật cần được bảo vệ, những điều sai trái, bất minh phải được phát hiện và xử lý. Nhiều nhà báo đã nêu những tấm gương sáng, có người hy sinh khi tác nghiệp mà mỗi lần nhắc đến lòng ta trào dâng niềm tiếc thương và cảm phục.

Với đóng góp to lớn của đội ngũ báo chí nói chung và đặc biệt là những tấm gương sáng trong làng báo, uy tín cũng như vai trò của báo chí ngày càng được khẳng định. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận những người làm báo và những người mang danh là nhà báo có những hành vi không chuẩn mực, thậm chí rất sai trái khi hoạt động nghề nghiệp. Để vụ lợi, theo đuổi những mục đích không trong sáng, họ làm sai lệch bản chất sự việc, gây ra những hậu quả đáng tiếc, thậm chí nghiêm trọng đối với đời sống xã hội.

Những hiện tượng đó tuy chỉ là cá biệt nhưng hậu quả của nó lại lan rộng, làm mai một hình ảnh tốt đẹp của những người làm báo chân chính. Đây là hiện tượng cần phải được cảnh báo một cách nghiêm khắc và thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để chấn chỉnh và khắc phục.

Vậy những biểu hiện tiêu cực, sai trái trong hoạt động báo chí là gì, thưa ông?

- Phải nói rằng các cơ quan báo chí lớn có bề dày truyền thống, công tác quản lý chặt chẽ, có chuẩn mực, thực hiện tốt tôn chỉ mục đích thì ít xảy ra sai phạm. Những sai phạm xảy ra trong đời sống báo chí tập trung chủ yếu ở những tờ báo có sự quản lý lỏng lẻo, thiếu sự quan tâm lãnh đạo của cơ quan chủ quản. Sai phạm thường gặp nhất là thông tin không chính xác, sai bản chất sự việc. Đó chính là hiện tượng bẻ cong ngòi bút. Người cầm bút mà bẻ cong ngòi bút thì thật nguy hại.

Rồi hiện tượng “sáng đăng - trưa gặp - chiều gỡ” diễn ra thường xuyên và có những lúc dồn dập ở trên một số tờ báo điện tử. Có những bài báo đăng lên rồi gỡ đi là vì lợi ích cục bộ, có sự chi phối, cám dỗ của đồng tiền. Cũng có hiện tượng người viết những bài báo không đăng nhưng lại nhắn cho đối tượng liên quan đọc bài để “thử phản ứng”. Đăng để bóc đi cũng có tiền và không đăng cũng có tiền. Các biểu hiện tiêu cực của báo chí có nhiều dạng, nhiều khi rất tinh vi và nó phụ thuộc vào ý đồ của người viết. Đôi khi thông tin có vẻ khách quan nhưng thực ra là “bơm vá”, cắt xén một cách lắt léo và vì những mục đích không trong sáng.

 

Các phóng viên đưa tin Tuần lễ cấp cao APEC 2017 (nguồn Internet)


Ông đánh giá thế nào về chất lượng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên ở các cơ sở đào tạo báo chí Việt Nam hiện nay?

- Những năm gần đây, chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo báo chí ngày càng được nâng cao. Các trường đã cập nhật khá nhanh các vấn đề của thời đại thông tin. Nhưng bên cạnh việc quan tâm đến trình độ nghiệp vụ, nâng cao khả năng tác nghiệp trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, cần phải đặc biệt chú trọng đến giáo dục đạo đức nghề nghiệp. Có thể không nhất thiết phải hình thành môn đạo đức nghề báo, nhưng ý thức giáo dục đạo đức nghề nghiệp phải ở trong từng môn học, từng người giảng bài tại các cơ sở đào tạo báo chí.

Con đường, cách thức để giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong nhà trường cũng có khi bằng bài giảng, nhưng cũng có khi bằng tấm gương của người thầy, bằng tính mẫu mực của các nhà báo được mời đến thỉnh giảng, trao đổi, tọa đàm với sinh viên. Nhà trường cần giáo dục đạo đức nhà báo bằng chính tấm gương của các nhà báo trong đời sống báo chí. Tôi biết các cơ sở đào tạo báo chí đã bắt đầu chú trọng vấn đề này, tinh thần và phương hướng đã có rồi, nhưng triển khai trên thực tế cần nỗ lực hơn nữa.

* Thời đại truyền thông số đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với đời sống báo chí. Vậy theo ông, đâu là những thách thức đáng chú ý?

- Có thể nói rằng trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, báo chí đang đứng trước những cơ hội rất lớn, nhưng cùng với cơ hội, tiện ích mà truyền thông số, mạng xã hội đem lại cho báo chí thì những thách thức đặt ra là chưa từng có khiến nảy sinh những câu hỏi về sự tồn tại, vai trò của báo chí đối với xã hội.

Với sự lên ngôi của mạng xã hội, mỗi công dân chỉ cần có trong tay một cái điện thoại Smartphone đều có thể trở thành người đưa tin. Đôi khi chỉ bằng một tài khoản Facebook cũng có thể thiết lập hệ thống thông tin như một tòa soạn báo. Ở đó có đầy đủ thông tin, bình luận, phản hồi… Báo chí chưa kịp thông tin, bình luận gì mà mạng xã hội đã dậy sóng. Nếu trong trường hợp đó báo chí không biết cách làm chủ tình hình mà vượt qua thì báo chí dễ trở thành theo đuôi của mạng xã hội và bị mạng xã hội dẫn dắt.

Tuy nhiên, không nên đối lập báo chí và mạng xã hội, mà giữa báo chí và mạng xã hội cần có sự tương tác. Các nhà báo có thể tiếp cận những thông tin ở mạng xã hội, coi đấy là những thông tin ban đầu, nhưng nhà báo phải kiểm chứng bằng cái tinh thông nghề nghiệp, bằng trách nhiệm của mình trước xã hội và bằng đạo đức nghề nghiệp để nhận biết những thông tin trên mạng xã hội đó đúng hay sai. Thái độ và trách nhiệm của người làm báo trước thông tin đó là phải phân tích, định hướng dư luận xã hội.

Dù cho mạng xã hội có phát triển đến mấy, các phương tiện truyền thông khác có phát triển đến mấy thì báo chí cũng không bị mất vai trò nếu chúng ta làm đúng chức trách. Tinh thông nghề nghiệp, đủ sức thuyết phục, đủ độ tin cậy- đó chính là  sức mạnh của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.

* Ngày 17/12/2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo, điều này có tác động như thế nào đối với đời sống báo chí, thưa ông?

- Trước các hạn chế về đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo, và từ yêu cầu trực tiếp, cụ thể đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, sau khi Luật Báo chí năm 2016 được ban hành, Hội Nhà báo Việt Nam đã quyết định ban hành 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp. Sau hơn 1 năm thực hiện, có thể nói 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp đã lan tỏa trong đời sống báo chí và xã hội và bước đầu đạt kết quả tích cực. Một số hiện tượng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, có những hành vi không chuẩn mực trong hoạt động báo chí đã được phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời. 

Sau khi Hội Nhà báo ban hành10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, từng cơ quan báo chí đã tổ chức học tập, thảo luận, diễn đàn về đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên. Từ đó các nhà báo đã thấm nhuần sâu sắc, coi đó như là sự cam kết thiêng liêng về bổn phận và trách nhiệm của người làm báo trước cộng đồng, xã hội và đất nước, coi như đây là lời hứa danh dự của người làm báo.

Để thực hiện tốt 10 điều này, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam đã chỉ đạo để thành lập gần 300 hội đồng xử phạt vi phạm đạo đức nghề nghiệp từ Trung ương đến địa phương. Nhiều hội đồng xử phạt đã kịp thời xử lý chấn chỉnh các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, trên cơ sở 10 điều quy định này mỗi cơ quan báo chí cũng đã có quy ước riêng phù hợp với điều kiện thực tế, môi trường báo chí, loại hình báo chí của mình.

* Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thông điệp ông gửi tới đồng nghiệp là gì, thưa ông?

- Chúng ta vẫn nói với nhau là phải sống tử tế, nhưng sống tử tế đối với người làm báo, trước hết phải làm nghề tử tế. Làm nghề tử tế là phải tôn trọng sự thật, làm sáng tỏ sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, đó chính là sứ mệnh thiêng liêng của người làm báo. Dù chúng ta có viết về mặt tích cực hay là đấu tranh, phê phán những hiện tượng tiêu cực, thì ngòi bút của các nhà báo phải truyền tỏa được niềm tin trong cuộc sống. Cho dù chúng ta tôn vinh hay chúng ta phê phán thì niềm tin vào sự thật và chính nghĩa, vào những điều tốt đẹp vẫn là ánh sáng trong cuộc đời này. Nếu báo chí làm mất niềm tin bằng chính sự suy giảm đạo đức của người làm báo thì rất nguy hiểm. Báo chí chiến đấu để bảo vệ những gì là tốt đẹp và chống lại những gì là sai trái, vì vậy tính chiến đấu và tính nhân văn trong hoạt động báo chí phải luôn song hành với nhau.

 Xin cảm ơn ông!          

NGUYỄN SÍU (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh