THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:37

Cảnh giác bẫy lãi suất khi vay tiêu dùng

 

Bẫy lãi suất

Anh Lại Quang Hổ, Văn Phú, Hà Đông (Hà Nội) kể rằng, anh mua chiếc điện thoại Oppo N1 mini với giá 8,6 triệu đồng tại một siêu thị điện máy ở Hà Đông. Nhân viên bán hàng tư vấn, anh chỉ cần trả trước 3,5 triệu đồng, số còn lại sẽ được một công ty tài chính cho vay và trả dần trong vòng 12 tháng, mỗi tháng trả khoảng 700.000 đồng. Thấy hàng tháng chỉ trả khoản nhỏ, có thể trả được nên đồng ý mua. Khi về đến nhà, ngồi tính lại mới tá hỏa, khoản vay chỉ 5,1 triệu đồng mà trả cả gốc lẫn lãi trong 12 tháng, tổng số tiền lên đến 8,3 triệu đồng, quy ra lãi suất đến 64%/năm.

Giống như trường hợp anh Hổ, anh Nguyễn Quang Mạnh, Cầu Giấy, Hà Nội được tư vấn lãi suất 2%/tháng, tức 24%/năm, anh đã quyết định mua trả góp chiếc laptop tặng vợ. Nào ngờ từ ngày rinh chiếc laptop về nhà cũng là lúc anh bị tra tấn bởi những cuộc điện thoại đòi tiền. “Lãi suất 24% đó hóa ra chỉ được áp dụng cho tháng đầu tiên, còn về sau bị đội lên thành 66%, tôi hỏi thì họ giải thích: “Thay đổi lãi suất theo sự biến động của thị trường”.

 

Đang trong lúc khó khăn, chị Nguyễn Ngọc Thắm (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) nhận được điện thoại của cô nhân viên tài chính tư vấn cho vay tới 30 triệu đồng, lãi suất 4%/tháng, kỳ hạn trả nợ 24 tháng. Nhẩm tính mỗi tháng chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng trả nợ mà có thể giải quyết được khó khăn trước mắt, chị Thắm đã đặt bút ký hợp đồng.

Đến tháng trả nợ, chị Thắm mới ngớ ra vì lãi suất vọt lên 6%/tháng. Hóa ra trong lúc nóng vội, chị đã không để ý dòng chú thích lãi suất tăng lên theo biến động của thị trường được bên cho vay ghi rất nhỏ. Cố gắng thanh toán được 5 tháng, chị Thắm xin trả cả gốc lẫn lãi để thanh lý hợp đồng cho đỡ nhức đầu. Lúc này, nhân viên công ty tài chính lập tức đổi giọng thông báo tổng số tiền còn lại chị phải trả vẫn cao hơn cả tiền gốc đã vay vì tính cả tiền phạt thanh lý sớm hợp đồng.

Để không rơi vào vòng xoáy nợ nần

Theo luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon, có tới 60% đơn thư gửi tới công ty ông là các vụ việc vay nợ cá nhân hoặc cá nhân vay tiền của các tổ chức tài chính. Rất nhiều người trong số đó là sinh viên, dân văn phòng.

“Thủ tục vay tiền đơn giản, thời gian giải ngân nhanh chóng, dễ dàng giải quyết món nợ, nhu cầu mua sắm trước mắt là lý do chính khiến nhiều người sa chân vào cái bẫy vay tiêu dùng. Người vay thường không tìm hiểu các điều kiện ràng buộc, lãi, phạt ra sao mà chỉ quan tâm đến nhu cầu vay, đến khi xảy ra tranh chấp, phát sinh lãi không như tư vấn ban đầu thì mới tá hỏa đọc lại các điều khoản trong hợp đồng. Chúng tôi nhận thấy nhiều nạn nhân tuy đã trả được nợ gốc nhưng bên cho vay xiết tiền lãi bằng cách ép nạn nhân phải viết thêm giấy vay nợ. Tiền gốc vay ban đầu có thể nhỏ nhưng tiền lãi và những điều khoản ràng buộc khiến nhiều con nợ không thể thoát được vòng xoáy nợ nần” - luật sư Minh Long nhận định.

 

“Vay tiền là giao dịch dân sự, pháp luật chỉ can thiệp được khi vụ việc vỡ lở hoặc có chứng cứ hình sự. Nếu có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến ngân hàng, quỹ tín dụng để được tư vấn cụ thể về lãi suất, trả nợ. Mất thời gian hơn một chút nhưng an toàn hơn rất nhiều so với việc đi vay tín chấp, tiêu dùng ở ngoài. Theo sự cạnh tranh và phát triển của các ngân hàng thương mại, hiện đã có nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng có điều kiện thuận lợi hơn với lãi suất dễ chịu hơn so với vay ngoài. Tốt nhất, cần có sự tư vấn của những người hiểu biết về kinh tế, luật pháp trước khi vay, để tránh tình trạng đặt bút ký rồi vướng vào vòng xoáy nợ nần”, ông Long khuyến cáo.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng khẳng định: “Cho vay tiêu dùng là lĩnh vực rất tiềm năng tại Việt Nam, bởi lĩnh vực này mới chiếm 6% tổng dư nợ tín dụng nước ta, trong khi ở các nước khác là 15 - 20%”.

 Tuy nhiên, TS. Lực cũng cảnh báo, người dân trước khi vay cần phải nghiên cứu kỹ hợp đồng.  “Có một hiện tượng khá phổ biến là, khi ra tòa, nhiều khách vay cho biết, họ không rõ hợp đồng như thế nào. Rõ ràng, đây là lỗi của người vay do không đọc kỹ hợp đồng trước khi ký. Bởi vậy, cần phải giáo dục để người dân hiểu biết hơn về dịch vụ tài chính - ngân hàng, ít nhất là hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình và của ngân hàng. Theo tôi, cần phải đưa quản lý tài chính cá nhân thành một môn học”, TS. Lực nói.

Châu Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh