THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:13

Phú Yên gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Đức Tịnh-Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên khẳng định,  việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp, với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thị trường lao động là tất yếu và là nội dung hết sức quan trọng cấp thiết đang được các cấp, ngành quan tâm.

Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động GDNN như: Xã hội hóa trong GDNN, miễn giảm thuế đối với doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Một số cơ sở GDNN đã có nhiều hoạt động liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Ông Lê Đức Tịnh-Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên phát biểu tại hội nghị

Ông Lê Đức Tịnh-Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên phát biểu tại hội nghị

Theo ông Phạm Tâm Đê, Trưởng Phòng dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH), trong năm 2022, địa bàn tỉnh Phú Yên đã đào tạo được 9.831 người, đạt 122,88% so với kế hoạch năm, trong đó: Cao đẳng 734 người, Trung cấp 1.508 người, Sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 7.589 người. Số lao động trên sau khi tốt nghiệp có việc làm là 7.866 người, chiếm tỷ lệ: 80,02%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 74,27%, trong đó, tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ đạt 27,15%, đạt 100,55% so với kế hoạch năm.

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: Trường Cao đẳng 3 cơ sở; Trường Trung cấp 1 cơ sở; Trung tâm GDNN-Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã 7 cơ sở; doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN 4 cơ sở và các cơ sở GDNN khác có đăng ký hoạt động GDNN là 4 cơ sở.

Ông Phạm Tâm Đê-Trưởng Phòng dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH) phát biểu tại hội nghị

Ông Phạm Tâm Đê-Trưởng Phòng dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH) phát biểu tại hội nghị

Công tác GDNN đang từng bước gắn với nhu cầu học nghề, cơ cấu việc làm và đặc điểm kinh tế của mỗi địa phương. Các cơ sở GDNN đã chú ý đến việc giải quyết việc làm cho người lao động sau khi đào tạo bằng các hình thức như: Ký hợp đồng đào tạo theo địa chỉ cho các doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp, mời các doanh nghiệp về cơ sở tuyển dụng sau mỗi khóa học... tạo thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm.

"Bước đầu đã có sự liên kết giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động; các doanh nghiệp đã tham gia với các cơ sở GDNN trong việc hoàn thiện nội dung, chương trình dạy nghề theo yêu cầu của sản xuất; nhận học sinh, sinh viên vào thực tập và làm việc tại doanh nghiệp", ông Phạm Tâm Đê chia sẻ.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận của các cơ sở GDNN, doanh nghiệp nêu những thuận lợi, khó khăn và đề xuất các giải pháp nhằm thức hiện tốt hơn công tác gắn kết giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động, ông Lê Đức Tịnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên chỉ đạo các cơ sở GDNN và doanh nghiệp phải phối hợp để cụ thể về số lượng, ngành nghề đào tạo, trình độ đào tạo, thời gian và có kế hoạch cụ thể về tổ chức tuyển dụng. Các cở sở GDNN cần chủ động, xây dựng đa dạng các ngành, nghề đào tạo phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhất là gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động trong các khu công nghiệp tập trung; các cụm điểm công nghiệp, các làng nghề và dạy nghề tham gia xuất khẩu lao động.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Cần tăng cường sự phối hợp liên kết giữa các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh để tổ chức đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ngay tại địa phương (như liên kết với các trường: Cao đẳng công thương Miền trung, Cao Đẳng nghề Phú Yên...) để tổ chức tuyển sinh đào tạo.

Về phía tỉnh, sẽ tham mưu UBND tỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn để đảm bảo đào tạo đa ngành, nghề với trình độ và chất lượng cao. Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Nghiên cứu xây dựng chương tình, nội dung đào tạo, tăng thời lượng thực hành, đẩy mạnh liên kết, tạo điều kiện học sinh, sinh viên thực hành tại doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời cần tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia đánh giá kỹ năng nghề quốc gia trước khi tốt nghiệp. Khuyến khích thúc đẩy việc “Công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả lương, tiền công cho người lao động dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề”.

Ông Lê Đức Tịnh cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã cần chỉ đạo các cơ quan liên quan và các cơ sở GDNN xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát, đúng, phù hợp với phát triển các phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đề nghị xây dựng chính sách chế độ tiền lương và các chính sách ưu đãi khác nhằm thu hút nguồn nhân lực của các cơ sở giáo dục sau khi đào tạo. Tránh tình trạng vì thu nhập quá thấp không đáp ứng nhu cầu cuộc sống, các em học xong lại đi đến các địa phương làm việc, các doanh nghiệp có thu nhập cao hơn.

NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh