Phú Thọ: Gắn giảm nghèo với xây dựng Nông thôn mới
- Dược liệu
- 18:56 - 10/10/2017
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh.
Chú trọng đảm bảo an sinh xã hội
Tại buổi làm việc với Bộ LĐ -TB&XH về công tác lao động, người có công và xã hội 6 tháng năm 2017 và các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phú Thọ Bùi Đức Nhẫn cho biết: Bình quân mỗi năm tỉnh giải quyết thêm gần 15.000 lao động, 6 tháng năm 2017 đã tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 7.863 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào đạo và truyền nghề đạt 58%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%.
Hiện tỉnh có 110 doanh nghiệp, tổ chức đang sử dụng lao động là người nước ngoài, với tổng số 471 người. Công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa cơ bản đã đi vào nề nếp, việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ đúng quy định.Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đến nay tỉnh Phú Thọ có 52 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh gắn với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và nhu cầu thị trường lao động.
“Việc liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp có chuyển biến tích cực; 80% học sinh, sinh viên sau đào tạo có việc làm mới hoặc thu nhập tăng thêm. Đến nay, các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn tất các thủ tục gửi Bộ, Sở LĐ-TB&XH thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp...”- ông Bùi Đức Nhẫn cho biết.
Cũng theo ông Nhẫn, tỉnh Phú Thọ có gần 260.000 người có công (NCC). Các chế độ chi trả, ưu đãi đối với NCC và thân nhân của họ được đảm bảo đúng, đầy đủ chế độ, đúng đối tượng, kịp thời. Các chính sách khác đối với cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh, quân nhân, công an xuất ngũ, dân quân, du kích, dân công hỏa tuyến đang được tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện. Trong 6 tháng năm 2017, Sở LĐ-TB&XH đã thẩm định hồ sơ và quyết định chi trả trợ cấp 1 lần đối với 19.977 người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng bằng khen.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, toàn tỉnh Phú Thọ có 41.050 hộ nghèo, chiếm 10,51% tổng số hộ. Tỉnh đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ với sự phân công nhiệm vụ cụ thể của các cấp, các ngành.
Đến nay, tỉnh Phú Thọ không còn hồ sơ xác nhận NCC tồn đọng. theo Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng NCC.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thân mật trò chuyện với thương binh nặng đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh Phú Thọ.
Rà soát, giải quyết hồ sơ tồn đọng NCC trong dân
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian qua Phú Thọ chuyển dịch cơ cấu kinh tế khá, nhiều lĩnh vực tăng trưởng cao. Việc đào tạo nguồn nhân lực trong những năm gần đây được tỉnh chú trọng quan tâm bằng nhiều giải pháp chỉ đạo kịp thời.
“An sinh xã hội được quan tâm, các chính sách về lao động, việc làm, NCC được giải quyết khá cơ bản, đúng, đủ, kịp thời; không có nhiều vấn đề nổi cộm trong thời gian vừa qua...”. Theo Bộ trưởng, để phát triển bền vững, Phú Thọ cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, bởi hiện nay tỷ lệ lao động nông thôn ở Phú Thọ còn cao, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, năng suất thấp.
“Để phát triển thành trung tâm của vùng Tây Bắc, Phú Thọ cần tranh thủ lợi thế của địa phương, trong đó chú trọng phát triển du lịch bền vững, tính toán đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao...”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, thời gian tới tỉnh Phú Thọ cần đặc biệt quan tâm tới 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, tái cơ cấu gắn với nông nghiệp công nghệ cao; chú ý vấn đề sinh kế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phát triển du lịch bền vững.
Trong giáo dục nghề nghiệp, tỉnh Phú Thọ có lợi thế là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng của trung ương và địa phương (toàn tỉnh hiện có 52 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường đại học, 12 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp; 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 11 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu cần xem xét quy hoạch lại cho phù hợp, tiếp tục rà soát lại mạng lưới này, cần có phương hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp từ nay đến năm 2025. Nghiên cứu lộ trình đột phá ở 3 lĩnh vực là tự chủ, kết nối doanh nghiệp và chuẩn hóa đào tạo.
Với việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng, Bộ trưởng đề nghị tất cả các cấp, các ngành, địa phương có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực tri ân NCC, những chính sách cần được thực hiện đầy đủ, nhanh chóng, tạo điều kiện cho NCC được tiếp cận dịch vụ.
“Bộ ghi nhận Phú Thọ không còn hồ sơ tồn đọng NCC theo Quy trình 408. Tuy nhiên, thời gian tới, tỉnh cần tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng trong dân và tiến hành công khai, minh bạch. Phấn đấu đến hết năm 2018, không còn hồ sơ tồn đọng trong dân, đặc biệt với hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh….”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.