THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:54

Phú Thọ: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tiễn

Các học viên tham gia thực hành lớp trồng cây có múi

Các học viên tham gia thực hành lớp trồng cây có múi

Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (giai đoạn 2016 - 2020), huyện Cẩm Khê đã mở 56 lớp đào tạo sơ cấp nghề với gần 1.500 học viên, trong đó có 28 lớp đào tạo về nông nghiệp và 28 lớp đào tạo về phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, trước nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, huyện Cẩm Khê đã chủ động điều chỉnh chương trình giảng dạy, mở rộng ngành nghề phi nông nghiệp cho người dân. Hằng năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như: May công nghiệp, may nón lá, sửa chữa máy nông nghiệp… cung cấp lao động có tay nghề cho nhiều doanh nghiệp may mặc tại Cụm công nghiệp của huyện cũng như các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn với mức thu nhập từ 4 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Bùi Bá Đạt - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cẩm Khê cho biết: Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự phát huy hiệu quả, chúng tôi bám sát nhu cầu người học và yêu cầu của thị trường. Trong đó, tập trung đưa đội ngũ cán bộ xuống trực tiếp xã, thị trấn để nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân, tư vấn và giúp người lao động chuẩn bị thủ tục để đăng ký học nghề. Đồng thời thực hiện tốt việc liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, công ty có nhu cầu sử dụng lao động.

Với đặc điểm địa hình rộng và phức tạp, tỷ lệ dân cư và dân trí không đồng đều, huyện Yên Lập xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc làm cần thiết. Huyện chú trọng việc đào tạo nghề phải gắn với việc làm, đáp ứng nhu cầu của người học. Hằng năm, huyện tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, đề xuất với các sở, ngành liên quan phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề của lao động để tổ chức các lớp học.

Bên cạnh đó, các Trung tâm đào tạo đổi mới chương trình dạy nghề phù hợp để người học dễ dàng tiếp cận với các khóa học nghề, tùy theo điều kiện về thời gian và trình độ của mình.

Nói về phương hướng trong thời gian tới, ông Hà Đức Tuấn - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Lập cho biết: Chúng tôi tiếp tục tập trung làm tốt việc khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động để có phương án phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời tham mưu thực hiện các mô hình thí điểm dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp gắn với việc làm, nâng cao năng suất, chuyển dịch cơ cấu lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng xã, thị trấn.

Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Cẩm Khê và Yên Lập đã mang lại một số hiệu quả nhất định. Từ chỗ phải tìm kiếm các lớp học nghề thì nay người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu cá nhân. Đặc biệt, sau học nghề, người dân có cơ hội tìm việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần thực hiện tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, huyện Cẩm Khê và Yên Lập sẽ tập trung đào tạo một số ngành nghề phi nông nghiệp mới phù hợp với điều kiện phát triển từng huyện để khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương. Đặc biệt, sẽ tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo cũng như cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; đồng thời đổi mới chương trình đào tạo và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người lao động sau học nghề...

ĐS

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh