“Phù phép” lấy ruộng đất của người đi lao động nước ngoài
- Pháp luật
- 16:43 - 01/03/2016
Khu đất của ông Sơn bị “phù phép”.
Bản quy hoạch ma!
Ngày 9/6/2008, UBND xã Kỳ Liên ra thông báo số 22/TB-UBND bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ), gồm 6 lô nằm cạnh hành lang Quốc lộ 1A thuộc khu vực thượng cầu Bàu Tương thôn Liên Phú, trong đó có 2 lô với diện tích 421 m2 hoàn toàn nằm trong tổng diện tích 1.001m2 đất (gồm đất ở đất sản xuất liền kề) của ông Trần Thái Sơn được UBND huyện Kỳ Anh cấp GCN số 447 QSDĐ ngày 20/12/1996. Vô lí là thông báo này lại ra trước khi công bố sơ đồ quy hoạch dân cư vùng thượng cầu Bàu Tương. Đặc biệt, bản quy hoạch không có con dấu của UBND huyện (ông Trần Bá Song nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cũ, cũng thừa nhận không hề biết việc này).
Nhằm hợp thức hóa các lô đất, ông Trần Bình Thạnh nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Liên thời điểm đó và ông Võ Văn Phương, cán bộ phụ trách địa chính xã đã vẽ ra chiêu bài “chiếu cố” cho bố đẻ ông Sơn là ông Trần Điều được ưu tiên đấu giá trước, để luồn người nhà của mình đấu giá 5 lô còn lại. Tuy vậy, khi họ đến vận động ông Điều mua hồ sơ đấu giá thì ông không đồng ý vì cho rằng, đất đai thuộc quyền sở hữu của con ông. Hơn nữa xã cũng không có quyền tự ý lấy đất của con ông bán lại cho ông, khi chưa có quyết định thu hồi đất.
Biết không thuyết phục được ông Trần Điều với cách đó, ông Võ Văn Phương đã tự tay viết bản cam kết lấy tên ông Trần Thái Sơn với nội dung ông Sơn nhất trí theo chủ trương đấu giá, không kiện cáo sau này. Lợi dụng lúc chập tối, ông Phương đến nhà ông Điều đề nghị ông ký vào tờ giấy. Tuy vậy, nhận thấy có điều mờ ám, nên ông Điều không ký.
Bản vẽ quy hoạch mới của Ban Quản lý KKT Vũng Áng cũng trên thửa đất đó.
Bản đồ quy hoạch ma trên khu đất của ông Sơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Cương, Chủ tịch UBND phường Kỳ Liên khẳng định: “Nét chữ trong giấy 100% là của ông Võ Văn Phương”. Còn ông Phương cũng thừa nhận tờ giấy trên là do ông thảo và tự tay viết ra.
“Ăn mày” hộ khẩu của dân!
Đầu năm 2015, huyện Kỳ Anh chia tách thành huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Lúc này xã Kỳ Liên chuyển lên phường. Lẽ ra phường và thị xã phải tiếp tục giải quyết tồn đọng đất đai cho dân, nhưng sự việc cứ để vào chìm lắng. Sau khi về nước, ông Sơn cũng không hay biết nên đến giữa năm 2015 ông bắt đầu cho làm nhà hàng trên đất của mình để kinh doanh thì bị chính quyền phường cản trở. Bất bình trước sự việc, ông Sơn mang bìa đất đến gặp ông Nguyễn Hồng Cương, Chủ tịch UBND phường chỉ rõ vị trí sử dụng hơn 700m2 trong bìa, được ông Cương trả lời rằng đó là đất sản xuất không được làm nhà ở. Ông Sơn đem vấn đề thắc mắc với ông Võ Văn Phương, cán bộ địa chính phường, tại sao xung quanh người ta vẫn xây dựng mà ông không được làm? được ông Phương nói: “Thửa đất đó đã được xã Kỳ Liên trước đây thu hồi, hoán đổi lại cho ông Sơn ở xứ Ba Mảng”.
Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Sơn.
Mặc dù năm 2008 ông Sơn đang ở nước ngoài, nhưng xã lại tiến hành chia lại ruộng đất cho con em địa phương, trong đó hộ ông Sơn được chia 700m2. Tuy vậy, sau khi đất đai vừa được chia cho dân, Nhà nước lại ra quyết định thu hồi để bàn giao mặt bằng cho Dự án Formosa.
Rất lạ là việc được chia đất ở xứ Ba Mảng không những ông Sơn không hay biết, mà ngay cả nhiều người dân khác ở Kỳ Liên khi được gọi lên nhận tiền bồi thường Dự án Formosa cũng hết sức bất ngờ. Phải chăng, chính quyền xã Kỳ Liên đã mượn hộ khẩu của dân khai khống đất đai để ăn chia tiền bồi thường?
Thông báo đấu giá vô lý của chính quyền xã Kỳ Liên.
Theo chúng tôi, vấn đề bất cập ở chỗ: Trước hết đề án chia lại ruộng đất của Kỳ Liên chỉ bắt đầu được thực hiện vào năm 2003, sau khi xã không hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa theo chủ trương của UBND tỉnh. Trong lúc đó, đất sản xuất của ông Sơn được chia lại năm 2008 (tức sau 5 năm) là hết sức mâu thuẫn. Thứ hai, thửa đất của ông Sơn tại khu vực thượng cầu Bàu Tương là đất sản xuất chưa chuyển đổi mục đích nên ông Sơn không được phép xây dựng nhà hàng. Vậy tại sao năm 2008 xã Kỳ Liên lại cho vẽ sơ đồ quy hoạch khu dân cư trên đó để bán đấu giá? Thứ ba nếu thửa đất đó là đất công sau khi đã thu hồi để chia lại ở xứ Ba Mảng, vậy quyết định thu hồi ở đâu?
Ai đá bóng, ai thổi còi?
Liên quan đến sự việc này, chúng tôi gặp ông Phạm Tiến Hùng, cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Kỳ Anh, được ông Hùng cho biết: Năm 2008 phòng Tài nguyên-Môi trường (cũ) đã phối hợp cùng Phòng Kinh tế hạ tầng và xã Kỳ Liên lập sơ đồ phác thảo quy hoạch khu dân cư tại khu thượng cầu Bàu Tương xã Kỳ Liên, nhưng không thực hiện được. Hiện nay thị xã không liên quan đến quy hoạch vùng này, mà quyền thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng.
Đối chiếu hồ sơ, Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng đã lập quy hoạch chi tiết trên phần đất vườn và đất sản xuất liền kề đất trong GCNQSD đất số 447 của ông Sơn để bàn giao cho Dự án Văn phòng giao dịch Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh (chi nhánh Vũng Áng) với diện tích: Mặt tiền 23m; chiều sâu 23,8m, trừ mép đường quốc lộ 1A vào 23m.
Giấy cam kết mạo danh ông Sơn do ông Phương cán bộ địa chính xã viết tay.
Theo ông Trần Bình Long, cán bộ Phòng Quy hoạch Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng thì quy hoạch không liên quan tới việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngược lại nếu trước khi quy hoạch mà chính quyền địa phương kết hợp tốt với Ban thì sẽ giảm thiểu được những vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình GPMB.Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thái Sơn tâm sự: “Nếu dự án được triển khai ông sẵn sàng ủng hộ, nhưng chính quyền địa phương phải xác nhận quy hoạch dự án nằm trên diện tích đất đai của ông để ông được nhận bồi thường xác đáng”. Thiết nghĩ thị xã Kỳ Anh cần phải vào cuộc làm rõ vụ việc để trả lại quyền lợi cho công dân.