Những mảnh đời trôi nổi
- Dược liệu
- 16:52 - 27/12/2014
Kiếp mưu sinh nhọc nhằn
Khuôn mặt hốc hác, đầu tóc phờ phạc, dáng người gầy nhom, cả ngày rong ruổi, một tay bê đồ, một tay bế đứa con nhỏ mới 2 tuổi, và phải luôn mắt dõi theo đứa con gái 4 tuổi khiến Thủy thở không ra hơi, lâu lâu phải ngồi tạm lề đường nghỉ lấy sức. Thủy, sinh năm 1986, ở xóm 5, xã Thanh Phương trong một gia đình nghèo.
Mẹ bị bệnh về thần kinh, lúc tỉnh, lúc mê, sống độc thân, nên 3 anh em Thủy “mỗi đứa mỗi bố” mà không đứa nào biết mặt bố. Họ Nguyễn của Thủy cũng là do mẹ lấy họ của anh trai đặt cho Thủy.
Năm 2007, khi đang làm thuê ở quận 1 (TP. Hồ Chí Minh), qua bạn bè giới thiệu, Thủy quen Cao Văn Thu, hơn mình 5 tuổi, ở thôn 9, xã Quảng Đại (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đang làm thuê ở Đà Nẵng. Chỉ quen qua điện thoại, rồi Thu vào TP. Hồ Chí Minh gặp Thủy, thế là cả hai thuận ý về ở với nhau.
Sau đó họ chuyển về quê Thanh Hóa để sinh sống. Cho đến nay dù đã có với nhau hai mặt con nhưng họ vẫn chưa đăng ký kết hôn. Cuối năm 2009, khi Thủy mang bầu bé Hồng thì Thu nghỉ việc ở quê ra Hà Nội làm nghề đánh giầy, với mong sao có thêm thu nhập để lo cho vợ con.
Giữa năm 2010, Thủy sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Cao Thị Khánh Hồng. Kinh tế vốn khó khăn, từ khi con gái chào đời càng làm cho đôi vai vợ chồng Thủy nặng gánh.
Ba mẹ con rong ruổi bán hàng
Thêm vào đó, năm 2012, Thủy lại sinh đứa thứ hai. Thủy kể: “Sinh con chưa đầy một tháng thì hay tin chồng em nghiện ma túy, bị bắt đưa vào trại cai nghiện, chân tay em rụng rời, lúc đó gần như tuyệt vọng. Nhà chồng đã nghèo, giờ chồng em phải đi cai nghiện, một mình em không biết nương tựa vào ai để nuôi con.
Nghĩ nát óc ra, tìm kế để nuôi con, em quyết định đưa hai con ra Hà Nội”. Với Thủy, đây chính là quyết định mạo hiểm, là “đặt cược” với số phận của hai đứa trẻ, và cũng là cách duy nhất để kiếm tiền nuôi sống 3 mẹ con lúc đó. Bởi lẽ nếu ở quê thì không ai có thể giúp được mẹ con cô.
Sống nhờ hàng rong
Năm 2012, ra Hà Nội, bé Hồng gần 2 tuổi, còn bé Huyền mới 4 tháng. Ba mẹ con thuê căn phòng chưa đến 10m2, tại phố Nguyễn Phúc Lai (quận Đống Đa) để ở. Hàng ngày Thủy đi bán hàng rong (bông tai, tăm, bút, kẹo...). Thủy cho biết, 5 giờ sáng là phải dậy để lo cơm nước cho hai đứa nhỏ xong rồi mới đi bán. Nhiều lúc thấy con nhỏ đang say ngủ mà phải lay dậy đi bán hàng tội lắm.
Ba mẹ con vất vả giữ dòng đời
Mỗi lần đi bán hàng, Thủy phải mang theo hai con nhỏ. Đứa cõng trên lưng lấy dây buộc lại, đứa bồng, tay xách đồ, đi mỗi ngày hàng chục cây số bán hàng. Thời gian đầu chưa quen nên hai đứa nhỏ khóc khan cả giọng.
Nhiều khi một lúc đứa thì ngủ trên lưng, đứa thì ngủ trên tay, lang thang giữa trời mưa nắng khiến ruột gan Thủy nóng như lửa đốt. Những lúc như thế Thủy chỉ biết khóc thầm. Rồi những hôm hai đứa bé ốm đau, có lần thì Thủy bị ốm, không đi bán được nên không có tiền, phải vay mượn người quen cùng dãy trọ để sống.
Thủy kể: “Gần 1 năm theo mẹ bán hàng, có lần bé Hồng đi lạc, nhưng may mắn nó cũng nhanh nhẹn nên hai mẹ con lại tìm được nhau. Cứ mỗi lần như vậy là tim em lại đập loạn xạ vì lo lắng. Được cái nó ngoan, vâng lời. Không có nó bán phụ thì mẹ con em chắc không đủ sống anh ạ!. Mỗi tháng trừ chi phí ăn uống sinh hoạt gần 30.000 đồng mỗi ngày, và tiền thuê trọ, ba mẹ con em tích góp được gần 1 triệu đồng”.
Trả lời câu hỏi của tôi về các quyền lợi cũng như việc tiêm phòng các dịch bệnh cho 2 cháu, chị Thủy cho biết: “Từ khi sinh ra hai đứa cũng chỉ duy nhất một lần tiêm phòng. Em định sang năm gửi bé Hồng về quê học mẫu giáo rồi hàng tháng gửi tiền về nhờ bà nội chăm sóc. Còn hai mẹ con thì ở ngoài này chờ ngày chồng ra trại cai nghiện. Cố gắng không để con mình phải mù chữ, phải thiệt thòi giống như bố mẹ nó được”.
Đang trò chuyện với tôi thì chị chủ cửa hàng tạp hóa gần đó gọi mẹ con Thủy qua cho đứa bé hộp sữa. Nhìn đồng hồ đã gần 12 giờ trưa, đứa con gái út vẫn còn ngủ say trên tay Thủy. Một phần vì đói, và có lẽ nó cũng biết về thân phận nên nó ngủ rất ngon lành.
Mong ngày sum họp với vợ con
Sau khi trò chuyện với Thủy, tôi đến Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số V (Hà Nội) để gặp Thu (chồng Thủy). Thu quá ngỡ ngàng khi lãnh đạo Trung tâm bảo có người đến thăm, Thu không hiểu chuyện gì, bởi lẽ lâu nay, ngoài Vợ con ra thì từ ngày vào Trung tâm chưa có ai vào thăm Thu. Lúc đầu hơi bỡ ngỡ, nhưng sau khi nghe tôi đọc đúng tên Vợ con, quê quán, và cho xem hình ảnh ba mẹ con dắt tay nhau đi bán hàng, Thu hiểu ra vấn đề.
Thu nói trong ân hận: “Giá như em không theo bạn bè đua đòi, sa vào ma túy thì vợ con em đâu phải khổ, đâu phải ra đường như ngày hôm nay. Bây giờ em chỉ mong sao ba mẹ con cô ấy khỏe mạnh, vượt qua được thời gian khó khăn này. Mong một ngày sớm nhất em được trở về để giúp đỡ mẹ con cô ấy”.
Rồi Thu kể: “Gia đình em vốn nghèo khó, không ruộng, cha lại bỏ đi theo người khác nên 6 anh chị em ở với mẹ. Trước đây em đã có một đời vợ nhưng chưa có con. Do không hợp nên ở một thời gian thì đường ai nấy đi. Sau này gặp Thủy, thấy hợp thì về ở với nhau”.
Ba mẹ con Thủy phải dậy từ 5h sáng đi bán hàng rong, đến 9h tối mới về phòng trọ, đồng tiền kiếm được chẳng là bao
Từ lúc bị nghiện, mỗi ngày Thu phải mất hơn 200.000 đồng cho ma túy. Cũng vì vậy nên tiền làm được Thu đều nướng hết vào ma túy, không có đồng nào gửi về cho vợ con, thậm chí còn phải vay mượn bạn bè. Sau lần bị công an bắt quả tang, Thu bị đưa vào Trung tâm cai nghiện. Thu cho biết: “Cho đến nay chỉ còn 4 tháng nữa là tròn 2 năm. Ở trong này em được chữa bệnh, học nghề, nên sau này ra không lo thất nghiệp”.
Nguồn động viên duy nhất của Thu lúc này là vợ, con, mỗi tháng vào thăm một lần. Mặc dù bản thân gây ra bao nhiêu khổ cực cho gia đình như vậy, nhưng chưa một lần vợ em trách nửa câu. Mỗi lần vào thăm là hai đứa bé cứ quấn quýt lấy bố không rời nửa bước. Thu nói: “Vợ em thường xuyên an ủi, động viên em cố gắng chấp hành nội quy, học tập, lao động chăm chỉ để sớm được ra”.
Thời gian được gặp gỡ vợ con của Thu trong 20 tháng qua quá ngắn ngủi, và không thể nào bù đắp được cho vợ, và đặc biệt là hai đứa nhỏ. Tuy nhiên, đó cũng là sự thức tỉnh, là động lực để Thu học tập, rèn luyện, quyết tâm từ giã ma túy để trở về với gia đình, làm lại cuộc đời.