THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:23

Phụ nữ làng chăm An Giang giúp nhau xóa nghèo, làm giàu

 

Cũng như phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” của Hội nông dân các cấp, phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” của Hội Phụ nữ các cấp có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội ở An Giang, trong đó có người phụ nữ Chăm. Thông qua phong trào này, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình giàu lòng nhân ái, với tinh thần tương thân tương ái, luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, chỉ dẫn nhau làm kinh tế để cùng vươn trong cuộc sống.

 

Dệt lụa và thổ cẩm là nghề truyền thống mà người phụ nữ ở làng Chăm nào khi tới tuổi trưởng thành cũng đều thạo tay nghề, nên đã trở thành một trong những mô hình giúp nhau giảm nghèo, làm giàu được nhân rộng 

 

Chị Mariyah, chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Aly là một tấm gương như thế. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm, thêu may từ nhỏ chị đã được làm quen với khung cửi, se sợi, suốt chỉ, nhuộm vải cùng cha mẹ. Năm 20 tuổi chị đã trở thành một thợ dệt thổ cẩm lành nghề và nổi danh ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu. Trong nghề dệt thổ cẩm, với loại khung mắc đủ 18 go, một người thợ dệt giỏi như chị Mariyah, mỗi ngày dó thể dệt được một 1m thổ cẩm. Theo chị Mariyah cho biết, có một thời gian thổ cẩm Chăm Châu Giang tưởng chừng như bị mai một, do thiếu nguyên vật liệu sản xuất và khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

 

 Chị Mariyah, chủ cơ sỡ dệt thổ cẩm Chăm Aly là một điển hình về lòng nhân ái, luôn sẵn sàng giúp đỡ, truyền nghề và tạo việc làm, tăng thu nhập cho những người phụ nữ Chăm trong vùng

 

Nhưng từ ngày đất nước mở cửa đổi mới, khi ngày càng nhiều du khách đến thăm quan vùng quê dệt lụa và thổ cẩm Tân Châu nổi tiếng, thì thương hiệu thổ cẩm Chăm Châu Giang thực sự được hồi sinh và phát triển mạnh. Để tiếp tục gìn giữ, duy trì và phát triển nghề truyền thống ông cha truyền lại, chị Mariy ah cũng như nhiều người phụ nữ chăm khác, vừa đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, vừa truyền dạy nghề cho nhiều chị em phụ nữ ở địa phương, nhằm giúp họ có việc làm thương xuyên, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo.

Thương hiệu thổ cẩm Chăm Châu Giang (thị xã Tân Châu) nổi danh cũng nhờ công sức của những người phụ nữ Chăm chăm chỉ và thuần thục tay nghề trong nhiều công đoạn của nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Nhờ đó đã có hàng chục phụ nữ Chăm trong vùng được học nghề dệt thổ cẩm và có việc làm ổn định thường xuyên tại các cơ sở dệt thổ cẩm ở địa phương. Hiện nay ngoài nguồn thu nhập từ sản xuất, chăn nuôi họ còn có nguồn thu nhập thêm từ nghề dệt thổ cẩm, với mức từ 60.000 đồng – 70.000 đồng/người/ngày. Chị Mariyah chia sẻ, tuy khoản thu nhập từ dệt thổ cẩm chưa phải là cao, nhưng cũng đã giúp chị em phụ nữ Chăm cải thiện đáng kể đời sống gia đình. Hiện nay nghề dệt thổ cẩm Chăm không chỉ riêng sản phẩm của thương hiệu Chăm Aly Châu Giang bán chạy, mà sản phẩm của nhiều cơ sở khác làm ra cũng không đáp ứng đủ nhu cầu người mua.

 

Ngoài dệt lụa và thổ cẩm, nghề may trang phục truyền thống cả nam và nữ hiện nay cũng phát triển mạnh ở các làng Chăm An Giang, tạo việc làm cho rất nhiều phụ nữ Chăm

 

Sản phẩm thổ cẩm Chăm ở địa phương hiện nay cũng da dạng chủng loại và mẫu mã đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu khách hàng. Từ chỗ chỉ đơn điệu một vài sản phẩm truyền thống như xà rông, khăn và choàng tắm chủ yếu phục cho nhu cầu của cộng đồng người Chăm trong khu vực, đến nay cơ sở của chị Mariyah và nhiều cơ sơ khác đã đa dạng hóa sản phẩm và cao cấp hơn. Đó là các sản phẩm như: Túi xách, ví, áo (nam, nữa), ba lô, nón, khăn trải bàn…được khách du lịch nước ngoài rất ưa chuộng. Tiếng lành đồn xa, nên có rất nhiều công ty du lịch, khách sạn trong và ngoài tỉnh đặt hàng thường xuyên với số lượng lớn.

Nghề thêu ren, kết cườm trang phục truyền thống cũng thu hút nhiều người phụ nữ Chăm theo học để tự tạo việc làm thường xuyên tại nhà, tăng thu nhập đáng kể

 

Hiện nay, riêng cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Aly của chị Mariyah có 7 khung dệt, với 15 thợ thường xuyên sản xuất, với thu nhập ổn định từ trên 1,5 triệu đồng – 2triệu đồng/người/tháng (tùy theo trình độ tay nghề). Chị Mariyah cho rằng doanh thu chỉ đạt khoảng trên 300 tr đ/năm tuy chưa phải là cao, nhưng trừ mọi chi phí gia đình chị cũng tích lũy được ít vốn để tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm thêm cho chị em phụ nữ đồng bào Chăm ở địa phương. Đồng thời cũng nhờ có nguồn thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm mà gia đình chị xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, nuôi con cái ăn học.

Những người phụ nữ Chăm tuy còn rất trẻ nhưng đã có tay nghề cao, nhờ được truyền dạy từ nhỏ và nay được các cở sở dệt lụa, thổ cẩm ở địa phương tạo điều kiện để phát huy tay nghề

 

Có thể nói, chị Mariyah là một trong những tấm gương sáng của phụ nữ Chăm, đã có nhiều công sức đóng góp vào sự gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm Chăm truyền thống ở địa phương. Nhờ đó mà ngày nay, khi đặt chân đến xã Châu Phong, du khách như lạc vào thế giới của sắc màu thổ cẩm Chăm truyền thống, được dệt nên bởi biết bao đôi bàn tay khéo léo, cầm mẫn của những người phụ nữ Chăm xinh xắn, nhân hậu…/

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh