THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 06:00

Đồng bào Khmer Văn Giáo xóa nghèo từ nghề dệt thổ cẩm

 

Theo một số hộ đồng bào Khmer cho biết, từ xa xưa Văn Giáo đã là làng nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Thời hoàng kim của làng nghề, hầu như nhà nào cũng có xa quay và khung cửi chạy rầm rập suốt ngày. Những sản phẩm thổ cẩm làm ra thương lái tới tận nơi mua rồi đem bán khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia. Trong nhà nhiều gia đình Khmer ở vùng này, ngoài bàn thờ Phật , họ còn thờ ông Tổ của nghề dệt thổ cẩm Topica truyền thống Khmer.

Nghề dệt thổ cẩm ở Văn Giáo từng nổi danh ở đồng bằng sông Cửu Long và cả ở nước láng giềng Cămpuchia

Tuy nhiên, có một thời gian khá dài suốt cả thập niên 80 của thế kỷ trước, nghề dệt thổ cảm ở Văn Giáo rơi vào tình trạng sản xuất bị đình đốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, khiến nhiều người đã bỏ nghề. Trăn trở trước thực trạng và nguy cơ làng nghề bị mai một, chị Neáng Nhây là một nghệ nhân giỏi tay nghề ở ấp Srây – Skốth đã nỗ lực tích cực vận động bà con cố gắng giữ nghề và truyền nghề cho thế hệ trẻ. Riêng bản thân chị đã dành nhiều thời gian và tâm huyết của mình để truyền nghề cho 3 người con gái, đồng thời động viên nhiều chị em khác ra sức vực dậy phục hồi làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của ông bà tổ tiên truyền lại.

 

 Những người phụ nữ Khmer ở Văn Giáo hầu hết đều được truyền dạy nghề quay tơ, dệt lụa và thổ cẩm ngay từ lúc còn nhỏ

Nhờ những nỗ lực của chị Nêáng Nhây và sự đồng lòng của cộng đồng chị em phụ nữ Khmer nơi đây, từ cuối năm 1992, sản phẩm thổ cẩm Khmer của làng nghề Văn Giáo lại tái xuất hiện trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, sản phẩm thổ cẩm của Văn Giáo đã được xuất khẩu sang thị trường Cămpuchia với thương hiệu “Khmer siek” rất được ưa chuộng.

 

 Nhờ các dự án hỗ trợ khôi phục làng nghề truyền thống của tỉnh An Giang, nghề dệt lụa vá thổ cẩm Văn Giáo đã hồi sinh khởi sắc

Nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo được khôi phục và phát triển mạnh cũng nhờ vào Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam đã triển khai thực hiện Dự án chương trình khôi phục, phát triển nghề dệt truyền thống của Khmer tại xã Văn Giáo vào năm 1988. Dự án thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ và UBND huyện Tịnh Biên để hỗ trợ vốn ban đầu cho 36 chị em đứng ra duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Từ sự phát triển này, đến tháng 1/2000, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Văn Giáo đã được thành lập, với gần 130 xã viên tham gia theo mô hình phân tán dệt tại từng hộ gia đình.

 

 Hiện nay hầu hết các hộ đồng bào Khmer ở Văn Giáo đều có khung dệt tại nhà hoặc trở thành xã viên hợp tác xã dệt thổ cẩm Văn Giáo theo mô hình phân tán dệt tại gia

Thổ cẩm Văn Giáo rất đa dạng, phong phú về mẫu mã, màu sắc hài hòa, hoa văn sắc sảo nên thị trường trong nước, Cămpuchia và du khách nước ngoài rất ưa chuộng. Một trong những bí quyết tạo màu sắc đẹp chất lượng cao là các nghệ nhân làng nghề đã dùng chất liệu từ tự nhiên để chế thuốc nhuộm, nhờ đó làm cho lụa óng ả mượt mà không bị đổ lông.  Hiện nay trong xã có khoảng hơn 70 hộ, với gần 130 thợ dệt thổ cẩm, mỗi hộ theo nghề dệt thổ cẩm được Nhà nước hỗ trợ cho 1 khung dệt, trị giá khoảng 1,5 triệu đồng và được vay 3 triệu đồng với mức lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng để mua nguyên liệu dệt, nhờ vậy mà họ có việc làm ổn định, tăng thu nhập đáng kể.

 

  

Sản phẩm thổ cẩm của người Khmer Văn Giáo rất đa dạng, phong phú với nhiều mẫu mã, màu sắc hài hòa mamg đậm bản sắc truyền thống dân tộc, nên được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng

 

Tùy vào trình độ tay nghề của mỗi người, với người có tay nghề cao thuần thục trong thao tác dệt thì có thu nhập cao hơn. Những người phụ nữ có tay nghề giỏi như chị Neang Sa Mol có thể dệt được những sản phẩm thổ cẩm cao cấp và loại tốt nhất, với giá 1,2 triệu đồng /cái, mỗi tháng trừ chi phí chỉ, màu chị còn hưởng lợi khoảng trên 5 triệu đồng  – 6 triệu đồng. Có thể nói, từ khi được đầu tư khôi phục từ các dự án, chính sách của Nhà nước làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo đã nhanh chóng hồi sinh và phát triển, góp phần giúp cho bà con đồng bào Khmer ở địa phương không chỉ thoát nghèo bền vững, mà nhiều hộ đã, đang vươn lên làm giàu.                                                                                                      

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh