CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:17

Tạo cuộc sống bền vững cho người khuyết tật

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc.

 

Tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan thông tin, hiện Việt Nam có gần 8 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 7,8% dân số, trong đó có 1,2 triệu là trẻ khuyết tật. Việt Nam là nước có tỷ lệ NKT so với tổng dân số khá cao trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Và, phần lớn NKT còn có cuộc sống khó khăn, đặc biệt là những người bị chất độc da cam/dioxin gây ra lại càng vất vả hơn. "Do tác động của các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, tác động của già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu...dự báo trong những năm tới, số lượng người khuyết tật sẽ tiếp tục gia tăng, đời sống của người khuyết tật, đặc biệt NKT thuộc hộ nghèo, NKT ở vùng thường xuyên bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng ta cần nhiều hơn nữa quyết tâm, nỗ lực chung tay hành động của các cấp, các ngành, sự sẻ chia của các tổ chức, cá nhân đối với người khuyết tật; Bằng nỗ lực và quyết tâm, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, hành động để ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống cho NKT. Trong đó có phần đóng góp quan trọng của Nhà nước, các tổ chức, của cộng đồng xã hội, của các tổ chức quốc tế và cũng như bản thân NKT đã cùng giúp cho NKT có cuộc sống tốt hơn và đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề, tạo việc làm đối với NKT là một nhân tố vô cùng quan trọng giúp NKT có cơ hội có việc làm ổn định để hòa nhập với xã hội".

 “Chúng ta đồng hành, chung bước cùng người khuyết tật (NKT) với tình cảm, trách nhiệm, tình yêu thương, đùm, bọc, sẻ chia và niềm tự hào để tiếp tục làm tốt hơn nữa giúp cho cuộc sống của NKT ngày càng tốt hơn” – Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Sau khi Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT được Việt Nam phê chuẩn và Luật NKT được ban hành và có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai thực hiện. Đặc biệt, Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NKT được Thủ tướng ký phê duyệt đã được cụ thể hóa thành những hoạt động, giải pháp của từng giai đoạn. Qua đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NKT xóa bỏ mặc cảm, tự vươn lên hòa nhập xã hội và đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sự chuyển biến tích cực về nhận thức của xã hội, hoạt động trợ giúp NKT cũng có sự thay đổi căn bản. Đó là, chuyển từ trợ giúp mang tính nhân đạo từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách bảo đảm an sinh đối với NKT. NKT được trợ cấp xã hội, hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng. Những NKT còn được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế… giúp họ tự tin, tự lập cuộc sống.

Người khuyết tật được nhiều chính sách bảo đảm an sinh .

 

Số lượng NKT được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc NKT của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Hàng năm có hàng triệu NKT được trợ cấp từ ngân sách nhà nước; hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, được hỗ trợ phương tiện trợ giúp. 100% tỉnh, Thành phố đã xây dựng mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng. Hệ thống giáo dục ngày càng phát triển, giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội được đi học, phát triển. Số NKT được học nghề và có việc làm ngày càng tăng. Các tổ chức của NKT ngày càng được mở rộng...

 Dù đã có những kết quả khả quan trong công tác trợ giúp NKT, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, vì vậy chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng cấp thiết, chính đáng của NKT. Vẫn còn nhiều NKT sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thất học, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.

Vì thế, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trước mắt để thực hiện được các điều ước quốc tế và quy định pháp luật về NKT trong thời gian tới, cần có nhiều hơn nữa sự cố gắng của các tổ chức, xã hội, cộng đồng, Nhà nước và chính NKT để họ được hòa nhập vào xã hội tốt hơn.

Và, trong những năm tới Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục thực hiện những cam kết được ghi trong Hiến pháp và pháp luật về NKT, cũng như các cam kết của quốc tế mà Việt Nam tham gia. Qua đó, thực hiện được mục tiêu giúp NKT ở Việt Nam có cuộc sống tốt hơn, điều kiện thuân lợi để thực hiện các quyền do pháp luật quy định.

Ông Friday Nwaigwe - Trưởng chương trình “Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em” của Tổ chức Unicef, phát biểu.

 

Cũng tại lễ mít tinh, ông Friday Nwaigwe - Trưởng chương trình “Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em” của Tổ chức Unicef, cho biết Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên hợp quốc của 193 nước tham gia trong đó có Việt Nam thong qua, nội dung của chương trình này là không thể để ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta phải đảm bảo những ai sống trọng tình trạng khó khăn, dễ bị tổn thương đều được giúp đỡ để họ có khả năng chống chọi lại với những cú sốc trong cuộc sống của mình (kinh tế, xã hội) bao gồm cả cú sốc về thiên tai. Quan trọng nhấn là tiếp tục nâng cao năng lực quốc gia và địa phương để ứng phó tốt hơn và chuẩn bị tốt hơn, cho các thiên tai, trường hợp khẩn cấp. Bởi đó là nguyên nhân làm cho trẻ em, NKT dẫn đến tình trạng vô cùng khốn khó. Việc biến đổi Việt Nam trở thành quốc gia phát triển bền vững, xã hội phù hợp với tất cả mọi người thì phải đáp ứng tất cả những nhu cầu cũng như là thách thức của NKT và đặc biệt là trẻ khuyết tật. Và, chúng ta phải đảm bảo tất cả mọi mọi người, cơ quan cùng hợp tác để xây dựng, thực thi và đảm bảo các chính sách, các giải pháp mang tính đột phá. “Chính phủ, các tổ chức, bộ ngành, cá nhân làm việc, hợp tác với nhau theo nhóm trong phương pháp có sự điều  phối tốt để thực hiện quyền của NKT và các mục tiêu phát triển bền vững” – ông Friday Nwaigwe nhấn mạnh.

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về NKT, hiện nay Việt Nam có khoảng 8 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số, 58% NKT là phụ nữ, 10% NKT thuộc hộ nghèo. Để đảm bảo và chăm sóc cho NKT Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều đề án, chính sách về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho NKT. Nhiều văn bản đã ban hành như Bộ luật Lao động, Luật NKT... Các văn bản pháp luật này đã tạo cơ sở triển khai các chính sách đến NKT tại các địa phương. Nhờ đó đến nay đã có nhiều địa phương thành lập và bố trí kinh phí từ Quỹ việc làm cho NKT để hỗ trợ, tạo việc làm cho NKT. Hiện nay có hơn 15.000 lao động là NKT và khoảng trên 16.000 lao động khuyết tật khác đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình hoặc được hỗ trợ từ Quỹ việc làm. 

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong số những NKT nhận được hỗ trợ về dạy nghề và tạo việc làm, có gần 41% nhận được tư vấn về học nghề, tư vấn việc làm và giới thiệu việc làm, gần 18% được miễn giảm học phí... Đáng chú ý số cơ sở dạy nghề ở Việt Nam đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay có 156 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho NKT, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt, 200 cơ sở có tham gia dạy nghề cho NKT và trên 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT.

 

Một số hình ảnh tại lễ mít tinh: Triển lãm ảnh của dự án " Truyền thông về quyền của NKT " :


 

 

 

 

 

MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh