CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:45

Phụ nữ: “Chúng tôi cần toilet sạch”

Cuối tuần rồi, tôi đi dự một tọa đàm có nội dung phụ nữ có thể thay đổi thế giới. Đó có lẽ là một trong số rất nhiều tọa đàm, hội thảo về nữ quyền diễn ra vào mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Ở đó, khách mời là những phụ nữ thành đạt trên các phương diện kinh tế, tri thức, gia đình, xã hội. Họ là minh chứng cho việc phụ nữ Việt Nam có thể làm được mọi điều mà đàn ông làm.

Một nhà vệ sinh công cộng được đưa vào sử dụng gần đây tại khu trung tâm TP.HCM. Ảnh: Anh Quân

Nhưng có chắc là tất cả phụ nữ Việt Nam quan tâm đến những chủ đề đó? Có bao nhiêu phụ nữ Việt Nam không có điều kiện biết đến những hội thảo như vậy? Tác động của những hoạt động này có thể đo lường được bằng cái gì? Còn điều gì khác mà phụ nữ Việt Nam quan tâm hơn ngoài kinh tế, tri thức hay địa vị xã hội?

Cũng những hình ảnh tôi bắt gặp trong ngày hôm đó đã đem lại một phần câu trả lời. Một phụ nữ bán vé số lén lút đi vệ sinh sau một bụi cây ở bờ kè đường Trường Sa (Quận Phú Nhuận TP.HCM). Đó là một hành động thiếu văn minh, gây mất mỹ quan đô thị và thậm chí làm thương tổn đến hình ảnh của chính người phụ nữ ấy. Nhưng hãy thử hình dung, bạn đang có “nhu cầu giải quyết vấn đề” và phải đi bộ dù biết là có đi hết con đường Trường Sa cũng chẳng tìm ra một nhà vệ sinh công cộng nào. Thật khó để tìm ra phương án giải cứu cái bàng quang trong hoàn cảnh ấy. Dẫu sao, phụ nữ không thể “bất chấp tất cả” như anh chàng đi xe hơi nào đó ngoài Hà Nội. Họ đành chọn bụi rậm thay vì đường phố.

Nếu có thắc mắc nào về sự khác biệt giữa “bụi rậm” và “đường phố”, tôi xin được phép nói ra những điều có thể là tế nhị và rất mới mẻ với phân nửa các bạn độc giả ở đây: Chuyện vệ sinh của phụ nữ phức tạp, rắc rối hơn nhiều so với đàn ông. Phụ nữ dễ mắc nhiều bệnh vùng kín nếu phải đi vệ sinh trong môi trường không có nước rửa và giấy lau khô. Trong thời kỳ kinh nguyệt, nguy cơ nhiễm trùng và viêm nhiễm lại càng tăng cao nếu điều kiện đi vệ sinh không đảm bảo.

Từ hình ảnh này, tôi nhớ đến một bài báo về Arunachalam Muruganantham, một trong những người đàn ông đặc biệt nhất Ấn Độ và có lẽ trên toàn thế giới. Truyền thông Ấn gọi anh là “India's Menstruation Man” (người đàn ông “kinh nguyệt” của Ấn Độ). Lý do là anh đã giúp cho hàng triệu phụ nữ nghèo ở đất nước này tiếp cận được nhu cầu cơ bản nhất của phụ nữ - được sử dụng băng vệ sinh trong mỗi kỳ kinh.

Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng có một sự thật ở Ấn Độ là nhiều phụ nữ nghèo - nhất là ở vùng nông thôn - không đủ tiền để mua băng vệ sinh. Họ phải dùng vải vụn, thậm chí cả những thứ không an toàn khác như lá cây, tro bếp và thậm chí cả mùn cưa trong ngày “đèn đỏ”.

Đó là lí do để Arunachalam tốn sáu năm mày mò nguyên liệu, nghiên cứu bất chấp những xì xầm, xa lánh của những người xung quanh để tạo ra sản phẩm băng vệ sinh giá rẻ. Phát minh của Arunachalam không chỉ giúp cho người vợ - như mục đích ban đầu của anh - mà nó thực sự đã thay đổi cuộc sống của hàng triệu phụ nữ Ấn Độ. Anh trở thành một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất ở đất nước mình và được tạp chí TIME vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014.

Tất nhiên, những gói băng vệ sinh giá rẻ của Arunachalam không thể làm thay đổi định kiến của xã hội Ấn Độ với người phụ nữ. Nhưng ít nhất nó đã giúp họ tiếp cận được với những điều kiện văn minh, thoát khỏi nỗi ám ảnh phải chịu đựng hằng tháng. Ở một đất nước mà cứ năm nữ sinh thì lại có một người phải nghỉ học khi đến kỳ kinh, chỉ 12% phụ nữ được sử dụng những sản phẩm băng vệ sinh an toàn, khoảng 70% các bệnh về sức khỏe sinh sản xuất phát từ việc kém vệ sinh kinh nguyệt (theo điều tra của tổ chức AC Nielsen vào năm 2011), công việc của Arunachalam xứng đáng được ví như một “cuộc cách mạng”. Từ góc độ của chúng ta, đó không phải là điều gì quá mới mẻ với nhân loại, nó chẳng gây tiếng vang hay củng cố cho phong trào đấu tranh nữ quyền gì cả. Nhưng đối với phụ nữ Ấn Độ, nó lại vô cùng thiết thực và mang đến nhiều lợi ích trực tiếp.

Câu chuyện của Arunachalam làm tôi liên tưởng đến những người phụ nữ Việt.

Hãy thành thật: Có bao nhiêu độc giả nam biết rõ những nhu cầu này của phụ nữ?

Không sao cả dù câu trả lời là gì. “Người anh hùng của phụ nữ Ấn Độ” Arunachalam cũng chỉ biết được nỗi khổ của chị em phụ nữ sau khi lấy vợ, và chỉ do tình cờ mà biết được thôi. Có những điều ta tưởng như biết rõ nhưng thật ra không phải. Có những thứ ta nghĩ đã quan sát và tìm hiểu nhưng hóa ra chưa đủ.

Và đó chính là điều mà rất nhiều phụ nữ muốn nói. Nhu cầu thay đổi thế giới của họ chưa chắc đã lớn bằng nhu cầu có một nhà vệ sinh sạch sẽ. Thay đổi thế giới có ý nghĩa gì nếu những nhu cầu cơ bản nhất của con người chưa được đảm bảo?

Hãy thử đi một vòng thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam này. Hãy quan sát. Con số nhà vệ sinh công cộng sẽ trở nên cực kỳ bé nhỏ trước số lượng các quán nhậu lề đường. Một quý ông tìm chỗ cho bia vào bụng dễ hơn gấp ngàn lần một quý cô tìm đến nơi “xả nước cứu thân”. Trong lúc bàng quang căng tức, phụ nữ chúng tôi chẳng quan tâm liệu ngày mai bà Hillary Clinton có thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, hay liệu mười năm nữa Việt Nam sẽ có nữ thủ tướng hay không.

Ngày 8-3, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những băng rôn cổ động nữ quyền, những hội thảo khẳng định vai trò của người phụ nữ. Sự bình đẳng cho nữ giới, đó là một trong những yếu tố làm nên một xã hội văn minh. Nhưng trước khi thụ hưởng những thành tựu đó, phụ nữ chúng tôi cũng cần những điều thiết thực và cũng không kém phần nhân văn. Phụ nữ Ấn Độ đã có Arunachalam. Còn ở Việt Nam, chúng tôi cần thật nhiều những chiếc toilet sạch.

Bảo Uyên/thesaigontimes.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh