Nơi phụ nữ có quyền chọn đàn ông để... qua đêm
- Văn hóa - Giải trí
- 15:56 - 09/03/2016
Một cô gái Mosuo tới tuổi cập kê đứng trước phòng riêng của mình. (Ảnh: Broadly)
Hồ Lugu ở chân núi Himalaya là quê hương của hơn 40.000 người trong bộ tộc Mosuo, một trong những cộng đồng duy trì chế độ mẫu hệ cuối cùng trên thế giới. Theo trang mosuoproject, người Mosuo sống trong gia đình nhiều thế hệ. Tất cả đều sống dưới một mái nhà và không ai có phòng riêng, trừ các cô gái tới tuổi cập kê.
Theo truyền thống, khi thích một người đàn ông nào đó, phụ nữ Mosuo sẽ mời người đó tới chơi nhà và qua đêm tại phòng của mình. Những buổi hẹn hò thế này thường bí mật, vì thế những người đàn ông sẽ tới nhà bạn tình vào ban đêm và trở về nhà của mình trước bình minh.
Mặc dù một phụ nữ Mosuo có thể thay đổi đối tác thường xuyên hoặc có nhiều hơn một bạn tình cùng lúc nếu muốn, song không ít cuộc "hôn nhân đi bộ" vẫn được duy trí khá lâu. Nhiều nhà nhân chủng học đã miêu tả hệ thống này như "chế độ một vợ một chồng có thứ tự", và thực tế là, nhiều phụ nữ Mosuo đã có quan hệ gắn bó với một người đàn ông duy nhất.
Tuy nhiên, ngay cả khi một cặp đôi qua lại với nhau lâu dài, người đàn ông cũng không bao giờ tới sống với gia đình phụ nữ và ngược lại. Anh ta sẽ tiếp tục sống và có trách nhiệm với gia đình anh ta và người phụ nữ cũng vậy. Không có bất kỳ sự ràng buộc hay chia sẻ nào giữa họ.
Những đứa trẻ trong bộ tộc Mosuo sẽ được nhà ngoại nuôi dưỡng và mang họ mẹ. (Ảnh: Broady)
Đặc biệt là khi đứa trẻ được sinh ra, người cha có thể có rất ít hoặc không có tí trách nhiệm nào với con của mình (thực tế là một số đứa trẻ sinh ra thậm chí không biết ai là cha của chúng). Nếu một người cha muốn có liên quan tới việc nuôi dạy con mình, anh ta sẽ phải mang lễ vật tới gia đình người mẹ và bày tỏ ý định của mình.
Điều này sẽ giúp anh ta có một vị trí chính thức trong gia đình bên kia, nhưng không khiến anh ta thực sự trở thành một phần trong đó. Bất chấp người cha có liên quan hay không, đứa trẻ sẽ được nhà ngoại nuôi dưỡng và mang họ mẹ.
Mặc dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc đàn ông trong cộng đồng Mosuo không có nghĩa vụ phải chăm sóc bọn trẻ. Thực tế, họ phải chia sẻ trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng tất cả những đứa trẻ được sinh ra bởi những người phụ nữ trong gia đình mình, đó là con của em gái, cháu gái và cô, dì... của họ.
Đàn ông Mosuo hầu như không có trách nhiệm với đứa con của mình. (Ảnh: Baytalhaq)
Điểm ưu việt trong tập tục hôn nhân của người Mosuo chính là cấu trúc gia đình của họ cực kỳ bền vững. Trong cộng đồng của họ không bao giờ có chuyện ly hôn hay tranh giành quyền nuôi dưỡng con cái (đứa trẻ thuộc về gia đình người mẹ) cũng như phân chia tài sản... Nếu cha mẹ qua đời, những đứa trẻ vẫn có cả một đại gia đình chăm sóc chúng.
Một điểm đặc biệt quan trọng nữa, là người Mosuo không có khái niệm trọng nam khinh nữ.
Trong hầu hết các nền văn hóa, phụ nữ sẽ phải về nhà chồng khi họ kết hôn. Kết quả là, nếu một cặp vợ chồng sinh nhiều con gái, khi con gái kết hôn, họ sẽ không có ai chăm sóc lúc về già. Nhưng nếu họ có con trai, con trai và vợ anh ta sẽ chăm sóc họ. Vì thế, những người càng nghèo lại càng mong muốn có con trai.
Tuy nhiên, ở cộng đồng Mosuo, vì cả con trai và con gái đều sẽ không bao giờ đi khỏi nhà, nên họ không quan tâm tới việc có con trai hay con gái.