Cuộc đời chẳng còn ý nghĩa nếu thiếu... phụ nữ
- Văn hóa - Giải trí
- 18:03 - 08/03/2016
Đỗ Bích Thúy: Đàn bà, không có tình yêu thì sống làm sao?
Bên cạnh đề tài miền núi thì hình tượng người phụ nữ vẫn luôn là nguồn cảm hứng lớn trong sự nghiệp sáng tác của Đỗ Bích Thúy. Có lần Đỗ Bích Thúy tâm sự: “Hầu như nhân vật nữ nào của tôi cũng có một số phận, một gương mặt buồn bã và họ cứ phải chật vật, vất vả mãi để đi tìm những mảnh sáng hiếm hoi cho cuộc đời mình. Tôi thường nghĩ, phụ nữ ở ta ít khi được sống cho mình, mà toàn sống cho người khác, lấy niềm vui của người khác làm lẽ sống cho mình. Phụ nữ miền núi càng thiệt thòi hơn. Mười mấy tuổi, như bông hoa vừa mới hé thì đã làm vợ, làm mẹ rồi. Cuộc đời từ đấy là cam chịu, nhẫn nhịn, hy sinh. Tôi thích kiểu phụ nữ dám làm tất cả để giành lấy tình yêu của mình. Đàn bà ấy, không có tình yêu thì sống làm sao, không làm mẹ thì sống làm sao? Cho nên ở nhiều nhân vật, tôi luôn để họ cố gắng vượt qua tất cả trở ngại, kể cả cái chết, để giành lấy tình yêu của mình, dù không phải sự cố gắng nào cũng thành công”.
Và như lời tác giả tâm sự, chị viết về đàn bà với niềm thương yêu vô tận. Những người đàn bà trong tác phẩm của chị, họ có ước mơ, sẵn sàng chết để đánh đổi lấy cái gọi là hạnh phúc, dù cho nó chỉ đến trong chớp mắt. "Tại sao tôi cứ viết về đàn bà, với những cuộc đời rủi ro và số phận nghiệt ngã, với những cái bướu xấu xí và tấm lưng còng gập? Tại sao những người đàn bà của tôi khi nào cũng phải sống trong những nỗi khát khao lớn hơn dãy Tây Côn Lĩnh, sâu hơn đáy sông Lô - những nỗi khát khao không gì nhấn chìm được, cũng không cách gì đạt tới được?
Những cuộc đời đầy âu lo, những năm tháng luôn phải đối mặt với thiên nhiên khốc liệt, cõi đời trắc trở, tình yêu mong manh... Tại sao vậy? Phải chăng vì, như một người đã nói với tôi, cuộc đời đàn bà buồn nhiều hơn vui, lo âu nhiều hơn mãn nguyện? Phải chăng vì trời sinh ra đàn bà để chẳng sống mấy cho mình?
Đỗ Bích Thúy cho biết, sắp tới chị sẽ cho ra đời một tiểu thuyết mới và cuốn tiểu thuyết này chị tiếp tục dành “đất” cho các nhân vật nữ. “Với tôi, người phụ nữ làm cho đời sống này rực rỡ hơn. Cuộc đời chẳng còn gì nếu thiếu người phụ nữ...
Tâm Phan: Phụ nữ có quyền được hưởng thụ
Là tác giả cuốn “Hồi ký Tâm Phan”, “Sex và những thứ khác”, “Lần đầu làm mẹ”, “Yêu như là sống”, Tâm Phan được biết đến là một nhà văn trẻ mạnh mẽ và cá tính. Những trang viết của cô thể hiện quan điểm thẳng thắn về sex trong hôn nhân và tình yêu đã gây được sự chú ý lớn đến giới trẻ và cộng đồng mạng.
Trong Hồi ký Tâm Phan, tình yêu luôn hiện diện trong từng trang viết. Cô viết về tình yêu của mình, về những người yêu cô, những người cô yêu. Bên cạnh một Tâm Phan yêu, cuốn sách còn khẳng định hình ảnh một người phụ nữ mạnh mẽ, thẳng thắn, sống động. Lý giải cho sức hút của cuốn hồi ký Tâm Phan, cố tác giả Đinh Vũ Hoàng Nguyên từng nhận xét: "... Sự hấp dẫn kịch tính nhất có lẽ nằm ngay trong diễn biến nội tâm của Tâm Phan, dám thú nhận với mình để sòng phẳng với mình, dám lồng lên giành hạnh phúc của mình...”
Và như Tâm Phan đã viết: “Chỉ ngồi yên để hạnh phúc đến với mình là chuyện không bao giờ có, tôi nhận ra hạnh phúc thì đơn giản nhưng để có được nó không hề đơn giản chút nào. Cuộc sống không bao giờ là dễ dàng cho ai, những đau khổ và tổn thương mà tôi đã trải qua là điều khiến tôi cảm thấy hài lòng vì đó chính là kinh nghiệm mà cuộc đời đem lại cho mình. Nếu có thất bại bạn cũng đừng tuyệt vọng chỉ cần sống tiếp, bước tiếp và hành động mới là cách mà bạn thoát ra khỏi rắc rối, đau khổ của chính mình...”
Bên cạnh đó, quan điểm khá “bạo” của Tâm Phan về sex cũng nhận được sự hưởng ứng của giới trẻ. “Phụ nữ có quyền hưởng thụ sex. Nhiều phụ nữ quá quen với sự bất bình đẳng nên nghĩ rằng tình dục chỉ dành cho đàn ông. Đây là một tâm lý mặc cảm tự ti cần phải khắc phục. Hãy sống thật là mình. Hãy vứt bỏ hết các nhãn mác “gái ngoan”, “gái hư”, người đời gán cho ta bởi những gì ta cảm nhận đó mới là cảm xúc thật. Mỗi người chỉ có một cuộc đời, không ai có thể sống hộ cho ai được. Hãy sống cho bản thân mình và làm cho mình hạnh phúc. Khi bản thân hạnh phúc tự khắc người phụ nữ sẽ có những hành động mang lại hạnh phúc cho người khác. Đó mới thực là sống và sống có ý nghĩa...
Trang Hạ: Đừng để phụ nữ đơn độc
Hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, Trang Hạ được biết đến như một nhà văn, nhà báo, một dịch giả... Thuộc típ phụ nữ cá tính và hiện đại, cô còn nổi tiếng trên cộng đồng mạng với những phát ngôn gây sốc liên quan đến vấn đề nữ quyền. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, phía sau những bài viết đầy tính báo chí, pha cả phong vị văn chương của Trang Hạ là mong muốn giải phóng tinh thần cho nhiều phụ nữ Việt vẫn còn đau khổ vì trói mình vào những định kiến.
Theo Trang Hạ, tập quán trong lối sống gia đình Việt hiện nay đã chất nhiều việc vặt lên vai phụ nữ. Giáo dục quên dạy chúng ta môn học quản lý gia đình, thu xếp hôn nhân. Cuộc sống khó khăn khiến ta tốn quá nhiều thời gian vào những thứ vặt vãnh trong xó bếp và hy sinh mọi giờ nghỉ cho việc bươn chải ngoài đường... Đó cũng là lý do khách quan rất quan trọng ảnh hưởng tới sự mất cân bằng trong đời sống gia đình.
Tuy nhiên, vạch tội “bất bình đẳng giới” ra rồi tìm thủ phạm để kết tội nó chưa phải là giải pháp tốt nhất. Lý tưởng nhất là mỗi gia đình tự tìm cách thu xếp, thỏa hiệp với nhau, điều chỉnh bản thân, mỗi ngày thay đổi một chút. “Phụ nữ có 24 tiếng như đàn ông, sức lực, cơ bắp thì không bằng. Họ cũng dành thời gian cho việc sinh đẻ, nuôi con nên “chậm chân” hơn đàn ông vài ba, thậm chí 5-7 năm. Họ phải gồng mình lên rất nhiều mới bắt kịp đàn ông. Nếu họ vừa giỏi việc nước, đảm việc nhà có nghĩa họ đang đơn độc giữ gìn gia đình. Nếu đàn ông chia sẻ thời gian chăm sóc gia đình cùng vợ/mẹ, hai người cùng làm việc nhà rồi cùng nghỉ ngơi, tôi tin mọi mâu thuẫn và rắc rối trong mọi gia đình đều được giải quyết ổn thỏa.