Phụ huynh ở TP. HCM lo lắng khi con sắp trở lại trường học
- Giáo dục nghề nghiệp
- 08:51 - 06/12/2021
- TP HCM: Chủ xe có thể bị phạt từ 2 - 8 triệu đồng nếu không đổi sang biển số màu vàng từ sau 31/12
- TP HCM thành lập 19 đoàn kiểm tra công tác kiểm soát hiệu quả dịch bệnh
- TP HCM có thể cho học sinh lớp 9 và 12 ở vùng xanh đi học trực tiếp từ ngày 10/12
- TP HCM cho phép dịch vụ ăn uống được hoạt động đến 22 giờ
Báo Vietnamnet đưa tin, kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc cho học sinh lớp 1 đi học lại ở hơn 560 trường học, tính tới ngày 5/12, cho thấy có tới hơn 70% phụ huynh không đồng ý cho con đi học trực tiếp từ ngày 13/12.
Cụ thể, trong hơn 121.700 ý kiến tham gia khảo sát chỉ có hơn 36.300 phụ huynh đồng ý cho con em đến trường học trực tiếp (khoảng 30%). còn hơn 85.400 người không đồng ý (chiếm 70%).
Đặc biệt, nhiều trường ở các quận nội thành chỉ có hơn 10 phụ huynh đồng ý cho con đi học như Trường Tiểu học Trần Quang Diệu, Trường Tiểu học Trần Văn Đang (Quận 3); Trường tiểu học Bến Cảng, Trường Tiểu học Đống Đa, Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ 1 (Quận 4).
Ở ngoại thành, nhiều trường ở Huyện Củ Chi, Cần Giờ cũng chưa đầy 20 phụ huynh có con học lớp 1, đồng ý học trực tiếp như: Trường Tiểu học An Nhơn Tây, Trường tiểu học Thị Trấn Củ Chi 2, Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, Trường Tiểu học Nhuận Đức, Trường Tiểu học Nhuận Đức 2 (huyện Củ Chi); Trường Tiểu học Lý Nhơn, Trường tiểu học Đồng Hòa (huyện Cần Giờ).
Cuối tuần qua 1 số trường đã họp phụ huynh để chuẩn bị cho học sinh đi học lại. Một số trường trong tuần đầu tiên thí điểm học trực tiếp sẽ chỉ học 3 buổi, môn Tiếng Anh vẫn học online như thường lệ.
Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn giải phóng, chị Minh Trang, phụ huynh có con năm nay học lớp 1, Trường Tiểu học N.V.X (quận Gò Vấp) lo lắng con không quen đeo khẩu trang trong suốt buổi học. Một số yêu cầu của ngành y tế như hạn chế hoạt động giao tiếp gần trong lớp học, bố trí chỗ ngủ trưa cho học sinh cách nhau tối thiểu 1m rất khó thực hiện trong bối cảnh trường lớp và sĩ số hiện tại…
Đồng quan điểm, anh Minh Tuấn, phụ huynh có 2 con năm nay học lớp 1 và lớp 4 Trường Tiểu học L.V.T (quận 12) chia sẻ, trường của 2 con trú đóng trên địa bàn có nhiều khu nhà trọ lụp xụp, chật chội đông người ở, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay chưa thấy đề cập đến việc test nhanh định kỳ cho học sinh khi trở lại trường học. “Các văn bản hướng dẫn mới tập trung vào việc xử lý khi phát hiện F0, chưa quan tâm đến việc tầm soát để phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm”, phụ huynh này lo lắng.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định “thời khóa biểu dạy học trực tiếp thay đổi theo cấp độ dịch của từng khu vực do UBND TP. HCM công bố hàng tuần” khiến nhiều gia đình không thể sắp xếp thời gian đưa đón con. Tới đây, khi đối tượng thí điểm dạy học trực tiếp mở rộng đối với bậc mầm non, hàng loạt vấn đề khác sẽ được đặt ra như: tổ chức bữa ăn bán trú, bố trí chỗ ăn, ngủ cho học sinh, quy định khu vực đón và trả trẻ dành cho phụ huynh, vệ sinh, khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi trong lớp học…
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ ngày 13-25/12 ở các trường tiểu học thuộc thuộc khu vực cấp độ 1, học sinh lớp 1 đi học một buổi/ngày, học sinh các khối khác tiếp tục học trực tuyến. Việc đi học lại phải đảm bảo mật độ học sinh trong một lớp, bảo đảm khoảng cách an toàn giữa các phòng học theo các quy định của Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 và các quy định phòng dịch khác.
Đối với trường thuộc khu vực cấp độ 2, học sinh lớp 1 đi học một buổi/ngày, mỗi buổi không quá 50% sĩ số học sinh toàn khối, học sinh các khối khác tiếp tục học trực tuyến.
Đối với các trường thuộc khu vực cấp độ 3, học sinh lớp 1 đi học ba buổi/tuần, mỗi buổi không quá 50% sĩ số học sinh toàn khối, học sinh các khối khác tiếp tục học trực tuyến.
Đối với các trường thuộc khu vực cấp độ 4, tất cả học sinh học trực tuyến.
Cùng với việc thí điểm mở cửa trường học, TP. HCM cũng bước đầu cho phép các trung tâm ngoại ngữ, đào tạo kỹ năng sống hoạt động trở lại. Đây là một trong những đòi hỏi tất yếu của việc tái lập cuộc sống “bình thường mới” nhưng sẽ làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thực tế trước đây cho thấy nhiều trường hợp học sinh bị lây bệnh ở ngoài trường học. Do đó, công tác tổ chức và giám sát hoạt động đối với các loại hình đào tạo ngoài nhà trường cần được quản lý hết sức nghiêm ngặt.