THỨ NĂM, NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2024 11:29

Phụ huynh ngã ngửa vì điểm số vào lớp 10 của con

 

Ngày 23/6, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm thi của thí sinh thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội. Đến 25/6, các trường THPT niêm yết danh sách điểm thi vào lớp 10. Hai ngày sau đó, điểm trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập không chuyên sẽ được công bố.
Tâm trạng của thí sinh trong kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội 2015.
Với việc gần 30.000 thí sinh trong tổng số 80.000 thí sinh sẽ phải học các trường dân lập, Trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề nên mức độ cạnh tranh vào lớp 10 ở Hà Nội đã được dự báo cực kỳ căng thẳng.
Theo dự báo của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội điểm chuẩn dự kiến năm học 2015-2016 sẽ không biến động nhiều so với năm học 2014-2015.
Càng sát ngày Hà Nội công bố điểm trúng tuyển, phụ huynh như ngồi trên đống lửa.
Thất vọng
Anh Nguyễn Bằng có con học lớp 9 một trường có tiếng ở Hà Nội cho biết năm nay con anh đăng ký thi lớp 10 THPT tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nguyện vọng 1 cháu đăng ký vào lớp thường Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ), nguyện vọng 2 vào Trường THPT Phạm Hồng Thái. Ngoài ra, anh cũng nộp hồ sơ cho con vào Trường THPT Lương Thế Vinh.
Tổng điểm của con gái anh đạt được là 51,5 điểm. So với mức điểm trúng tuyển năm 2014 của các trường trên, con anh Bằng đều không đạt. Trước khi đi thi, kỳ vọng của gia đình là con gái đạt được ít nhất 8 điểm môn Văn, 8 điểm môn Toán.
Đầu tư khá nhiều thời gian và tiền bạc cho con theo học các thầy cô giỏi, có tiếng ở Hà Nội nhưng con điểm không như kỳ vọng khiến gia đình anh Bằng khá buồn bã.
Hiện hi vọng lớn nhất của anh lúc này là việc con gái cho biết cháu làm bài thi môn văn khá tốt nhưng điểm lại chỉ đạt 6,75. Anh đã làm đơn gửi trường THCS nơi con anh đang học để phúc khảo điểm thi của con.
Năm nay sẽ có gần 40% học sinh tại Hà Nội không được học trong các trường công lập. (Ảnh: Văn Chung).
Nếu điểm thi không thay đổi, buộc lòng anh phải cho con theo ở các trường dân lập hoặc quốc tế với học phí không hề rẻ như Newton hoặc Vinschool.
Thất vọng không kém là chị Hoa, có con thi vào Trường THPT Việt Đức. “Cháu các năm học có điểm Toán, Văn đều trên dưới 9,0. Thầy cô dạy ở trường tư vấn cho con thi vào trường này. Bản thân mình cũng ngã ngửa khi kết quả của con chỉ đạt tổng điểm 48. Tuy nhiên gia đình không có ý định phúc khảo vì không muốn tạo áp lực cho con. Hơn nữa điểm phúc khảo chỉ có thể lên được 0,5 điểm đến 1,0 điểm là cao” – chị Hoa cho biết.
Với mức điểm này, chị Hoa đang tính tới phương án cho con học ở một số trường ngoài công lập gần nhà và chấp nhận với mức học phí cao hơn nhiều so với trường công lập.
Tại cơ quan của chị Hoa có đến 3 người khác con học lực giỏi ở bậc THCS nhưng thi vào lớp 10 kết quả khá bết bát.
Trong khi đó chị Vân, có con học trường THCS ở quận Tây Hồ cho biết dù con đạt 54 điểm nhưng chị vẫn phải sốt sắng đi tìm trường công cho con.
Chị cho hay với tổng điểm 54 là cao nhưng do gia đình chủ quan chỉ cho con đăng ký nguyện vọng 1 vào lớp không chuyên Trường THPT Chu Văn An và thi chuyên nên nỗi lo không vào được trường công vẫn hiển hiện.
Thở phào vì không vươn quá cao
Trong khi đó, anh Nguyễn Thường có con học lớp 9 Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) lại khá vui vẻ khi con gái đạt 53 điểm. Trước thực tế năm nay cạnh tranh vào lớp 10 công lập căng thẳng, gia đình đã định hướng cho con thi vào Trường THPT Phạm Hồng Thái dù khả năng của con anh có thể nguyện vọng cao hơn vào Trường THPT Phan Đình Phùng.
Với điểm trúng tuyển năm 2014 của Trường THPT Phạm Hồng Thái là 49 điểm anh Thường tự tin con đã có một suất vào học trường công lập.
Nhiều học sinh trong lớp của con anh Thường cũng phấn khởi cho biết đã không lựa chọn một số trường có điểm đầu vào hàng năm cao như THPT Việt Đức, Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT Yên Hòa do các trường hàng năm tỉ lệ chọi cao và điểm đầu vào cao.
Trong khi đó, chị Nghiêm Hòa ở quận Hai Bà Trưng cho biết con của gia đình chỉ đạt hơn 40 điểm, gia đình không có điều kiện để theo các trường chất lượng cao nên gia đình đang hướng cháu đi học nghề. Cháu khéo tay nên có thể học nghề trang điểm, cắt tóc để sau này về mở cửa hàng.
Dù con đạt điểm cao nhưng anh Vũ Văn Linh ở quận Thanh Xuân vẫn quyết định cho con theo học trường ngoài công lập vì dù học phí cao hơn nhưng việc học thêm không nặng nề như các trường công.
“Hiện, cháu đã theo chương trình học thử nghiệm của Trường Đào Duy Từ và bị thuyết phục bởi cách dạy của trường”, anh Linh nói. Trước khi cho con vào trường này, anh Linh cũng đã tìm hiểu, trường tuy là dân lập nhưng từng có học sinh đạt các giải thưởng quốc tế.
Trao đổi với VietNamNet, Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết: Năm nay sẽ có gần 30.000 học sinh phải học hệ ngoài công lập. Sở đã tính toán, tất cả học sinh tốt nghiệp THCS, có hộ khẩu Hà Nội sẽ được học trong các trường THPT trên địa bàn TP, ngoài các trường công lập, các em còn có thể học trong các trung tâm GDTX, các trường bổ túc văn hóa, học hệ THPT trong các trường Trung cấp CN và các trường ngoài công lập với mức học phí khác nhau để cho chọn lựa. Không có học sinh nào phải nghỉ học vì không có chỗ học.
Với nhiều gia đình, việc cho con theo học hệ dân lập với học phí cao là khó khăn không hề nhỏ. Theo ông Thống: “Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ cho các trường THPT công lập thì việc dành một tỷ lệ nhất định cho các trường ngoài công lập và các loại hình trường khác được tuyển sinh cũng là làm tốt chính sách xã hội hóa của nhà nước đề ra”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh