CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:23

Phụ huynh cần chủ động giám sát bếp ăn trường học

Phụ huynh cần chủ động giám sát bếp ăn trường học - Ảnh 1.

Bao giờ phụ huynh mới thực sự hết lo lắng về bữa ăn bán trú cho con?

Trước tình hình ngộ độc thực phẩm tập thể gia tăng ở một số trường học, tại một số địa phương, trong năm học 2018 -2019, cả Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Hà Nội đều khuyến khích phụ huynh tham gia giám sát bữa ăn bán trú hàng ngày của học sinh. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, một trong các biện pháp tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm là phụ huynh cần chủ động hơn trong việc tham gia giám sát bếp ăn trường học. Tất nhiên, không phải cho đến giờ, việc giám sát an toàn thực phẩm vào trường học với sự tham gia của ban phụ huynh mới được đặt ra. Nhưng theo phản ánh của nhiều phụ huynh, chuyện họ xâm nhập vào bếp ăn tập thể của các trường rất khó; thậm chí phải có lý do rất đột xuất như đón con về buổi trưa thì mới lấy cớ để quan sát bữa ăn của các con. Bởi thực tế, những buổi kiểm tra bữa ăn học đường có thành phần là phụ huynh được tham dự hoặc để truyền thông ghi hình thường được nhà trường bố trí, xếp lịch chuẩn bị trước. Như vậy, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường hiện nay vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan.

Trong khi, vấn đề đặt ra là giám sát nguồn thực phẩm đầu vào, giám sát đơn vị cung cấp thực phẩm có đảm bảo an toàn hay không, có đạt tiêu chuẩn như cam kết với nhà trường và gia đình học sinh hay không. Điều đáng nói là việc ăn bán trú ở các trường hiện chỉ phục vụ nhu cầu tự nguyện của phụ huynh nên chưa có sự đầu tư chuyên nghiệp, thiếu cán bộ có chuyên môn. Nhiều trường chưa chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm học đường, đơn cử như việc lưu mẫu thức ăn.

Phụ huynh cần chủ động giám sát bếp ăn trường học - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT đề nghị các nhà trường thực hiện nghiêm việc công bố, công khai nguồn gốc xuất xứ, đơn vị cung cấp thực phẩm tại các trường học.

Mới đây, tại hội nghị giao ban tháng 8 của UBND TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT đề nghị các nhà trường thực hiện nghiêm việc công bố, công khai nguồn gốc xuất xứ, đơn vị cung cấp thực phẩm tại các trường học và mời đại diện phụ huynh tham gia giám sát, theo dõi. Đây là một trong những việc cần làm ngay trong thời gian bắt đầu năm học mới 2019 - 2020.   

Báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có gần 1.700 trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh; trung bình 1 ngày toàn thành phố phục vụ hơn 800.000 suất ăn; phục vụ trung bình gần 800.000 học sinh ăn bán trú từ 1-4 bữa/ngày theo đặc thù từng trường. Như vậy trước lượng suất ăn khổng lồ này, yêu cầu kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm học đường càng cần được chú trọng.

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, vai trò của phụ huynh trong việc tham gia chuẩn bị bữa ăn cho con, cũng như giám sát bữa ăn học đường là cần thiết. Điều này cũng nhằm thể hiện trách nhiệm hai chiều giữa nhà trường - phụ huynh trước vấn đề dinh dưỡng của trẻ. Vì lẽ đó, cần một cơ chế thống nhất giữa các nhà trường và đại diện hội phụ huynh để cha mẹ có thể theo dõi, kiểm soát được bữa ăn hàng ngày của con em mình bất kể lúc nào mà không cần phải báo trước.


Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, suất ăn bán trú cho học sinh là công việc thường xuyên. Các hành vi sai phạm đều phải chịu xử lý nghiêm và công khai danh tính đơn vị vi phạm, nhưng quan trọng nhất là ngăn chặn các nguy cơ chứ không để xảy ra các vi phạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh do sự cố về an toàn thực phẩm.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh