Phóng viên chiến trường không cần hiện diện trong ký sự
- Văn hóa - Giải trí
- 17:20 - 29/07/2016
Phóng viên chiến trường thường được coi là loại tác nghiệp báo chí nguy hiểm nhất, nhưng cũng danh giá bậc nhất. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - người đã từng có mặt ở Pakistan trong lúc đất nước này rơi vào tình trạng báo động cao nhất của cuộc chiến tranh chia sẻ với VietNamNet quan điểm của mình về phóng viên chiến trường.
Nhà báo Lê Bình đang gây tranh cãi với phóng sự ở Syria
"Tôi nhớ năm 2002 tôi và nhà báo Như Phong nay là TBT Báo điện tử Petrotimes sang Pakistan chứng kiến cuộc tấn công của quân đội Mỹ vào thành trì của một nhà nước hồi giáo cực đoan Taliban. Thực ra chúng tôi mới chỉ đứng ở vòng ngoài của cuộc chiến tranh chứ chưa thực sự đứng trong cuộc chiến cho dù muốn. Nhưng dù ở vòng ngoài thì nó cũng mang lại một cảm giác rất lạ lùng bởi ở đó đang trong tình trạng báo động cao nhất của cuộc chiến tranh và mọi điều đều có thể xảy ra.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Hành trình chuẩn bị cho chuyến đi gồm những thứ nhẹ nhất, gọn nhất, tinh nhất và có thể hoà vào người dân ở đó để tham dự và đưa tin về cuộc chiến này. Chúng tôi tham gia vào các cuộc biểu tình, đến những nơi đánh bom cảm tử, lần mò vào vùng biên giới giữa Afganistan và Pakistan đầy rãy nguy hiểm ở đó. Chúng tôi vào những trung tâm đào tạo những đứa trẻ để trở thành những cảm tử quân mà sau này có thể sẵn sàng đánh bom cảm tử - Tử vì đạo và những nơi đó chứa đựng rất nhiều bí ẩn. Nhưng tất cả mới chỉ ở vòng ngoài, tôi khẳng định một lần nữa như vậy.
Theo tôi, nhà báo chiến tranh thực thụ phải là các nhà báo trong cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ họ cầm súng cụ thể, họ chiến đấu cụ thể, họ nằm trong chiến hào cụ thể, họ bị tấn công cụ thể, bị vây ráp... Còn sau này chúng tôi đi chỉ đưa tin hay tạo dựng một cái gì đó trong cái không khí phần nào đó trong cuộc chiến tranh đấy mà thôi. Cho nên cái trải nghiệm đó chưa thực sự là một trải nghiệm của một nhà báo viết về chiến tranh hay tham gia về chiến tranh. Tôi nghĩ rằng chuyến đi của chúng tôi hồi đó cũng chỉ mang lại một cảm giác hay một kinh nghiệm quan sát nhỏ nhặt như thế mà thôi.
Cái quan trọng nhất của một phóng viên chiến trường là người ta phải lột tả được, phải tập trung được vào những gì đang diễn ra trong cuộc chiến, còn tất cả các cảm xúc của phóng viên, sự thể hiện của phóng viên, quan điểm của phóng viên nhìn nhận cuộc chiến đó như thế nào, hay là sự chia sẻ của phóng viên với những nạn nhân ở vùng chiến sự đó nó lại thông qua các việc gián tiếp, nó ẩn ở sau những hình ảnh về cuộc chiến chứ không phải là chúng ta như một nhân vật hiện diện trong cuộc chiến đó.
Khi chúng ta xem một phim ký sự về chiến tranh, xem các bài báo viết về chiến tranh, hay đặc biệt là một phóng sự bằng hình ảnh về các cuộc chiến tranh lâu nay hay các cuộc chiến tranh đang diễn ra hay những cuộc xung đột lớn đang diễn ra trên thế giới thì ở đó chúng ta ít khi nhìn thấy các phóng viên, ít khi nhìn thấy các nhà báo mà chúng ta thấy hình ảnh trực tiếp về các cuộc chiến đó đang nổ súng thực sự, đang chảy máu thực sự và đang hy sinh thực sự, đang mất mát thực sự.
Nhưng các hình ảnh đó mặc dù là các hình ảnh trực tiếp của cuộc chiến tranh nhưng nó lại là cách nhìn của một phóng viên đối với cuộc chiến đó. Ngoài nghiệp vụ của báo chí, ngoài nghiệp vụ của một phóng viên thì ở đó chứa đựng quan điểm của người phóng viên về cuộc chiến đó, nhận thức về cuộc chiến đó và kêu gọi của người phóng viên để làm sao chấm dứt cuộc chiến đó để không mang lại những đau khổ, mất mát của cả hai phía. Tôi nghĩ đó là một quan điểm của người phóng viên chiến trường.
Và như vậy, tất cả hình ảnh của cuộc chiến tranh có thể là súng đạn, có thể là bom rơi, có thể là gương mặt của kẻ thù hay là của bên này hay của bên kia nữa chính là ẩn đằng sau nó chính là chân dung của một người phóng viên chứ người phóng viên không cần thiết phải hiện diện như một nhân vật trong cuộc chiến đó trong một ký sự đó.