THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:46

Phóng tác phim từ tác phẩm nổi tiếng: Cần thận trọng!

Phóng tác phim từ tác phẩm nổi tiếng: Cần thận trọng! - Ảnh 1.

Bộ phim "Cậu Vàng" của đạo diễn Trần Vũ Thủy

"Cậu Vàng" không phải là tác phẩm điện ảnh đầu tiên được phóng tác từ một (hoặc một chùm) tác phẩm văn học nổi tiếng. Trước đây, công chúng đã từng đón nhận: "Chị Dậu" (chuyển thể từ "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố), "Làng Vũ Đại ngày ấy" (chuyển thể từ một số truyện ngắn của Nam Cao), "Tướng về hưu", "Những bài học nông thôn" (chuyển thể từ một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp)... Đó đều là những tác phẩm điện ảnh có sức nặng, ghi dấu ấn đậm nét trong tâm trí công chúng.

"Cậu Vàng" cũng là tác phẩm điện ảnh thứ 2 chuyển thể từ các tác phẩm của Nam Cao. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, các tác phẩm của Nam Cao vốn đã đầy ắp các hình ảnh chân thực nên có thể dễ dàng chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Thế nhưng để chuyển tải một cách trọn vẹn tư tưởng, giá trị hiện thực và thủ pháp nghệ thuật trong tác phẩm của Nam Cao sang ngôn ngữ điện ảnh lại là vấn đề không đơn giản. Còn nhớ khi xây dựng bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", ê kip làm phim - từ đạo diễn Phạm Văn Khoa tới từng diễn viên đã phải "lao tâm khổ tứ" để tìm cách thể hiện từng chi tiết một cách trọn vẹn, chân thực nhất. Nhiều diễn viên gạo cội đã phải chấp nhận "hy sinh" rất nhiều để có được những khoảnh khắc ấn tượng, đắt giá trong phim - nhiều khi chỉ kéo dài 5 - 10 giây.

Nhưng với "Cậu Vàng", mọi thứ đều chỉ được thể hiện một cách qua loa, thiếu trực diện. Hầu như toàn bộ hình ảnh bi kịch đủ sức nặng để gây ám ảnh, đau đớn cho khán giả về thân phận những con người cùng khổ, về một thời đại nghèo đói trong lịch sử Việt Nam đều bị né tránh. Không hề có ngôn ngữ điện ảnh rõ nét, không hình tượng đắt giá, không góc máy ấn tượng, màu sắc lòe loẹt, lời thoại bê nguyên từ văn học là lý do khiến cho Cậu Vàng gây thất vọng cho nhiều khán giả.

Thật ra, với thế hệ công chúng hiện thời - kể cả những người thuộc thế hệ 9x, 10x, những hình ảnh trong tác phẩm của Nam Cao đã trở nên vô cùng quen thuộc, không chỉ qua những trang sách hay những bộ phim đã cũ, mà còn thông qua những đoạn video của nhóm "1977 Vlog". Những nhân vật trong các video được phát trên YouTube ấy mặc dù đều là những "diễn viên nghiệp dư", ngay cả người viết kịch bản cũng "nghiệp dư" nhưng lại sử dụng những chất liệu trong văn chương Nam Cao một cách nhuần nhuyễn và ấn tượng. Vì thế, việc xây dựng một bộ phim dựa trên tác phẩm Nam Cao một cách cẩu thả, thiếu tính chân thực như "Cậu Vàng", dẫn đến thất bại là điều hiển nhiên.

Những tác phẩm văn học nổi tiếng đã có đời sống bền vững trong lòng công chúng là những giá trị lớn lao đã được khẳng định. Do đó, một khi được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh thì cần hết sức thận trọng, không thể tách khỏi cái gốc là những tác phẩm đầy hiện thực để biến thành một "phiên bản" nhạt nhòa, giả tạo. Vì làm như vậy trước hết là thiếu tôn trọng tác giả, cũng là thiếu tôn trọng công chúng thưởng ngoạn nghệ thuật.

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh