Phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cần sự tham gia của nam giới
- Dược liệu
- 22:12 - 24/05/2018
Phụ nữ và nam giới chung tay phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Ngày 24/5, hơn 80 đại biểu đến từ các bộ ngành, cơ quan, đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế và cơ quan nghiên cứu đã tham dự "Hội thảo huy động sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam", do Bộ LĐ-TB&XH, Chương trình Đối tác Phòng ngừa bạo lực giới (P4P) và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức.
Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là vấn đề nghiêm trọng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới và đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững. Theo Nghiên cứu quốc gia của Tổng cục Thống kê năm 2010, 58% phụ nữ từng kết hôn cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công hoặc người có thẩm quyền và nạn nhân chỉ tìm kiếm sự hỗ trợ khi tình trạng bạo lực đã trở nên nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái.
Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng Giới (2006) và Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình (2007), Đề án quốc gia về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực dựa trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn 2030 cùng với nhiều chính sách và chương trình. Kể từ năm 2016, hàng năm các bộ ngành và địa phương đã tổ chức triển khai Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực dựa trên cơ sở giới. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong việc thực thi luật pháp và chính sách về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Nhiều cơ quan đã nỗ lực triển khai các can thiệp khác nhau bao gồm các hoạt động vận động chính sách và truyền thông về Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cũng như huy động sự tham gia tích cực của nam giới và trẻ em trai đối với công tác này. Tuy nhiên, những nỗ lực này hiện nay vẫn còn rời rạc và chưa có tính hệ thống.
Ca sĩ Hoàng Bách thường xuyên tham gia các chiến dịch truyền thông phòng chống bạo lưc trên cơ sở giới.
Hội thảo tại Đà Nẵng lần này là cơ hội để các bên liên quan đặc biệt là các cơ quan chức năng ở cấp quốc gia và địa phương nâng cao nhận thức hơn nữa về tầm quan trọng của việc thu hút nam giới và trẻ em trai tham gia phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, học hỏi các kinh nghiệm quốc tế cũng như trong nước trong triển khai mô hình nhằm thu hút nam giới với tư cách là những đối tác tạo ra sự thay đổi chứ không phải là đối tượng gây ra bạo lực.
Tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới ( Bộ LĐ-TB&XH) Hoàng Thị Thu Huyền đã nhấn mạnh, một trong những trọng tâm trong công tác bình đẳng giới của Việt Nam hiện nay là hoàn thiện luật pháp, chính sách và tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, ngừa, ứng phó với bạo lực dựa trên cơ sở giới. Qua đó, các sáng kiến, mô hình, can thiệp để phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt mô hình thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái cần được nhân rộng, triển khai tích cực và mạnh mẽ hơn ở các ngành, các cấp. Điều này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng và nỗ lực của các bên tham gia trong việc thực hiện các mục tiêu trao quyền năng cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: "Đạt được bình đẳng giới là về chuyển đổi mối quan hệ bất bình đẳng về quyền lực giữa nam giới và phụ nữ. Điều này liên quan đến việc thách thức các quan niệm truyền thống về nam tính. Để làm được việc này, nam giới cần đặt câu hỏi cho chính hành động và lời nói của mình trong các mối quan hệ ở cấp độ cá nhân, liên ngành và xã hội và chịu trách nhiệm cho sự thay đổi. Tôi tin chắc rằng ngay cả những người đàn ông là thủ phạm gây ra bạo lực có thể thay đổi thái độ và tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái nếu chúng ta tạo ra không gian và sự hỗ trợ để họ".