Phòng, chống tham nhũng: Thúc đẩy kinh doanh liêm chính
- Pháp luật
- 01:51 - 29/07/2020
Hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực thi các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy kinh doanh liêm chính và phát triển kinh tế lành mạnh, ổn định.
Đây là một trong những khuyến nghị chính của Báo cáo "Đánh giá quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước và đề xuất hướng dẫn đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước", được thảo luận tại hội thảo ở Hà Nội hôm nay 28/7 do Thanh tra Chính phủ, VCCI, UNDP tại Việt Nam, và Đại sứ quán Anh tổ chức.
Tham nhũng: Trở ngại lớn đối với hoạt động kinh doanh khu vực
Tham nhũng luôn được coi là một trong những trở ngại lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh trong khu vực vì nó làm tăng chi phí kinh doanh, làm biến dạng môi trường cạnh tranh, hạn chế cơ hội đầu tư và gia tăng bất bình đẳng xã hội.
Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Việt Nam trong những năm gần đây, hơn một nửa số công ty được khảo sát đã báo cáo về việc chi trả các chi phí không chính thức.
Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tham nhũng mới (năm 2018) có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Nghị định 59/2019/NĐ-CP sau đó đã được thông qua để hướng dẫn thực thi Luật chống tham nhũng.
Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng là dành cả một chương mới về phòng, chống tham nhũng trong các doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Đây là lần đầu tiên Luật Phòng, chống tham nhũng mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước.
Cho biết tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh "Phòng chống tham nhũng là nỗ lực tập thể của tất cả các bên bao gồm Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các nhà tài trợ quốc tế, báo chí và toàn xã hội".
"Với nỗ lực này chúng ta có thể tin tưởng rằng tham nhũng sẽ được đẩy lùi, các thực hành kinh doanh có trách nhiệm, minh bạch và liêm chính sẽ được thúc đẩy và hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) cũng như thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới", ông Vinh nhấn mạnh thêm.
Mở rộng phạm vi của Luật Phòng, chống tham nhũng
Thông qua báo cáo này, UNDP đưa ra đánh giá về các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước được quy định trong Luật và Nghị định, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của các nước khác trong việc triển khai hiệu quả các quy định pháp luật và đưa ra hướng dẫn thi hành.
Báo cáo cũng đưa ra đề xuất hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thi hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng .
Phó đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Sitara Syed hoan nghênh Việt Nam mở rộng phạm vi của Luật Phòng, chống tham nhũng sang khu vực ngoài Nhà nước.
"Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam phòng, chống tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực nhằm thực hiện các yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, mà Việt Nam phê chuẩn năm 2009", bà Sitara Syed nói.
"Song việc thực thi Luật đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ không chỉ của Chính phủ mà cả của các doanh nghiệp", Phó đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự thảo luận về thực trạng thực thi những quy định hiện hành của pháp luật trong nước và quốc tế về phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy kinh doanh liêm chính của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước ở cả thị trường trong nước và quốc tế, cụ thể là những quy định nội bộ của doanh nghiệp, khu vực ngoài nhà nước về các biện pháp phòng, chống tham nhũng.