CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:20

Phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ em

 

Có thể nói, chủ động phòng tránh ngộ độc thức ăn cho trẻ em là biện pháp bảo vệ trẻ, giúp trẻ sớm hoàn thiện hệ miễn dịch và không mắc phải biến chứng nào nguy hiểm. Thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay thiếu vệ sinh trong cách chế biến là những nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm ở trẻ em. Vì thế, phụ huynh cần lưu tâm những vấn đề này để phòng tránh và xử lý ngộ độc thức ăn cho trẻ.

Cùng một liều lượng của yếu tố gây độc, trẻ thường bị nặng hơn người lớn do kháng thể của trẻ yếu hơn nên hậu quả của ngộ độc thường rất nặng nề. Nguy cơ đứng đầu gây ngộ độc trẻ em tại cộng đồng là ngộ độc thực phẩm (do thực phẩm nhiễm vi sinh vật, do sử dụng phẩm màu, hoặc hoá chất trong quá trình sản xuất, chế biến hay bảo quản thực phẩm). Rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra được phát hiện có nguyên nhân do thức ăn nhiễm tụ cầu vàng.

Khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh. 

 

Sau khi ăn hoặc uống thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày), trẻ đột ngột có những triệu chứng: Buồn nôn và nôn ngay, một số trường hợp nặng, trẻ có thể nôn ra máu. Sau khi nôn hết thực phẩm trẻ đã ăn/uống trước đó, thì trẻ tiếp tục có dấu hiệu nôn khan liên tiếp sau vài giờ, không ăn gì cũng nôn. Trẻ bị ngộ độc thực phẩm, nôn là bản năng đào thải chất độc ra ngoài cơ thể tức thì. Nếu bé nôn được thì đó là một dấu hiệu tốt.

Trong trường hợp bé không nôn được hoặc nôn chưa hết, bố mẹ phải chủ động gây nôn cho trẻ. Tư thế gây nôn đúng cách là để bé nằm đầu thấp hơn người, nghiêng đầu sang một bên rồi dùng ngón tay nhấn mạnh vào cuống lưỡi để trẻ nôn thức ăn ra. Tuy nhiên, lưu ý khi gây nôn mẹ phải làm thật khéo, tránh làm xây xát họng trẻ. Không gây nôn cho trẻ khi đang nằm ngửa, vì tư thế này rất dễ khiến bé bị sặc, thức ăn bị trào ngược lên mũi gây ngạt hoặc xuống phổi, rất nguy hiểm. Trong quá trình gây nôn, luôn chuẩn bị khăn sẵn sàng để lau chùi, dùng khăn mềm lau sạch miệng trẻ.

Đau bụng dữ dội, đau quặn bụng thường xảy ra trước lúc đi ngoài. Đi ngoài phân có lẫn nước, đôi khi lẫn cả máu là những dấu hiệu cho thấy ruột của trẻ bị tổn thương, nhiễm khuẩn.

Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng của bệnh nặng hay nhẹ. Trong nhiều trường hợp, trẻ bị ngộ độc không sốt, nhưng cũng có trường hợp sốt cao trên 38 độ C. Tình trạng sốt cao kéo dài sẽ đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, vì vậy, cha mẹ cần chú ý đến những biểu hiện của trẻ để có phương án xử lý kịp thời

Khi phát hiện bé bị ngộ độc thì nên ngưng ngay các thực phẩm nghi ngờ làm trẻ bị ngộ độc. Thực phẩm tác nhân đó có thể là độc chất có trong cá nóc, hoặc thực phẩm quá hạn sử dụng, ôi thiu môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tăng sinh, tiết độc tố. Và đôi khi là thực phẩm mới, lạ với cơ thể bé được hấp thu với số lượng lớn. Sau khi ngừng thực phẩm đó nên tiếp tục theo dõi các triệu chứng của trẻ.

Sau khi sơ cứu, nếu quan sát thấy tình trạng sức khỏe của trẻ chưa hồi phục, nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để xử lý. Nên mang theo nguồn thức ăn gây ngộ độc để bác sĩ dễ dàng tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.

Khi nôn, đi ngoài trẻ mất nước, rối loạn điện giải. Nếu không được bù nước, điện giải bằng oresol sẽ dẫn đến tình trạng mất nước trầm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng phụ huynh cần nhớ nguyên tắc, pha oresol theo đúng hướng dẫn, uống từ từ, ít một, không uống quá nhiều cùng 1 lúc. Đặc biệt, bố mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy khi trẻ bị tiêu chảy vì ngộ độc thức ăn. Trong nhiều trường hợp, uống thuốc cầm đi ngoài càng khiến vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm lưu lại trong hệ tiêu hóa của trẻ lâu hơn, gây đầy hơi, chướng bụng, khiến tình trạng ngộ độc thêm trầm trọng. Mọi thuốc cầm tiêu chảy phải có chỉ định bác sĩ.

Với từng trường hợp cụ thể có các bước xử trí tương ứng: Nếu trẻ sốt cao nên cho thuốc hạ sốt bằng đường uống hoặc nhét hậu môn nếu bé nôn. Trong thời gian chờ đợi bé hạ sốt bằng thuốc có thể lau mát thêm cho bé. Đa phần ngộ độc thực phẩm nhẹ bé sẽ tự cầm sớm sau khi được bồi hoàn đầy đủ, nhưng với những trường hợp ngộ độc nặng hoặc có những triệu chứng nặng như mất nước, mắt trũng, nôn ói nhiều, mệt mỏi, lừ đừ, vật vã nên đưa bé đến cơ quan y tế gần nhất để có phương pháp xử trí kịp thời.

Trẻ bị ngộ độc thức ăn cần được theo dõi thường xuyên về nhiệt độ cơ thể, số lần và tính chất dịch nôn, phân và nước tiểu. Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi trẻ có những dấu hiệu nặng như: Nôn nhiều, không thể uống được hoặc bỏ bú, mệt nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh; trẻ có thêm dấu hiệu khác như sốt cao, phân có máu, trẻ rất khát, đau bụng nhiều, bụng trướng, đau đầu hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày.

Để phòng ngừa ngộ độc thức ăn cho trẻ cần lưu ý từ khâu chọn thực phẩm. Đặc biệt, theo lới khuyên của các bác sĩ, nên sử dụng thực phẩm còn tươi mới, không nên sử dụng đồ đông lạnh. Bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh để chung thực phẩm sống và thực phẩm chín cùng nơi, tránh để thức ăn bị hỏng, ôi thiu.

Khâu chế biến thực phẩm đặc biệt quan trọng, đảm bảo chế biến đồ ăn cho trẻ đã chín, không cho trẻ ăn thức ăn còn tái. Chú ý vệ sinh trước khi tiếp xúc với trẻ, rửa tay sạch sẽ khi chế biến thức ăn cũng như lúc cho trẻ ăn. Bên cạnh đó, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nhà bếp và các dụng cụ nấu ăn.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh