THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:05

Phòng, chống mại dâm: Cần chú trọng công tác phòng ngừa

Mại dâm diễn biến phức tạp

     Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm là văn bản pháp lý quan trọng, thể chế chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống mại dâm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội, nâng cao hiệu qủa quản lý nhà nước về phòng chống tệ nạn xã hội. Tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống mại dâm hiện nay đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức về chỉ đạo, triển khai, nguồn lực thực hiện... Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật hiện bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp yêu cầu của công tác này trong giai đoạn phát triển đất nước”.

     Đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết: Ngay từ khi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm có hiệu lực, lực lượng công an đã đồng loạt ra quân, triệt phá được nhiều đường dây tổ chức mại dâm lớn. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, rà soát, thống kê lên danh sách hiện có 6.521 nữ nhân viên trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện nghi hoạt động mại dâm và lập hồ sơ trên 6.838 gái mại dâm chuyên nghiệp. Tổ chức lực lượng triệt phá 11.676 tổ chức hoạt động mại dâm, bắt 47.350 đối tượng, trong đó 9.179 chủ chứa môi giới, 12.900 người mua dâm và 14.598 người bán dâm. Đại diện Cục Cảnh sát hình sự cũng nêu lên thực trạng gần đây xuất hiện đối tượng mại dâm hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật, thi sắc đẹp, điển hình như đường dây gái gọi do Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Văn Hoàng (Hoàng “mẫu”) cầm đầu mới bị triệt phá....

Phát tài liệu tuyên truyền, cung cấp các dịch vụ miễn phí về HIV/AIDS.

     Tại hội nghị, một số tỉnh, thành phố được coi là điểm nóng về hoạt động mại dâm như:  TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa... đã đưa ra một số bất cập từ khi thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính như: Không đưa người bán dâm vào các cơ sở, xã phường, thị trấn, hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở thành phố chuyển từ trá hình sang hoạt động công khai, diện rộng qua mạng internet trong và ngoài nước, mại dâm nam, đồng giới, chuyển giới, chưa có quy định cụ thể. Do vậy, các Sở LĐ-TB&XH kiến nghị cần sửa đổi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Phòng, chống mại dâm, bổ sung các quy định xử lý mại dâm nam, mại dâm đồng giới, khiêu dâm kích dục, trợ vốn tạo việc làm giúp họ hoàn lương, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống...

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

     Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực của các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương trong công tác phòng chống mại dâm. Phó Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam không hợp pháp hóa mại dâm nhưng các giải pháp phòng, chống mại dâm phải mang tính xã hội, giảm thiểu tác hại đối với người bán dâm (kể cả người mua dâm) và xã hội trên tinh thần bảo vệ quyền con người, tôn trọng tối đa nhân phẩm của con người. Việc phòng, chống mại dâm không là nhiệm vụ của riêng cơ quan, bộ, ngành nào mà của chung xã hội, hệ thống chính trị và đặc biệt là vai trò của những người trong cuộc, các tổ chức xã hội. Trong đó lấy phòng ngừa là chính, giảm thiểu tác hại và kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm”.

     Đánh giá một số quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống mại dâm không còn phù hợp với tinh thần Hiến pháp mới, các luật mới; cần phải bổ sung, thay thế, hoàn thiện, Phó Thủ tướng cho rằng cần sớm xây dựng Luật Phòng chống mại dâm, Chính phủ sẽ bàn và trình Quốc hội Luật Phòng chống mại dâm để đồng bộ với các luật khác, đảm bảo tôn trọng quyền con người. Vấn đề đặt ra nếu sửa luật còn nhiều thời gian, tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành, nhất là Luật Xử lý vi phạm hành chính mới, nghiên cứu làm luật, huy động cả xã hội tham gia, góp ý xây dựng luật mới.

     Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Sau hội nghị này, trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cũng như ý kiến tham luận của các đại biểu, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan tổng hợp ý kiến, tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất các giải pháp cụ thể trong công tác phòng chống mại dâm. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Công tác phòng chống mại dâm là nhiệm vụ vừa trước mắt, vừa lâu dài, để đạt hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt không chỉ cả hệ thống chính trị mà cần sự vào cuộc của toàn xã hội...”

     Theo các cơ quan chức năng, hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý tại 63 tỉnh, thành  là 11.240 người. Trong đó, tập trung nhiều ở một số khu vực như: Đồng bằng sông Hồng 3.673 người; khu vực Đông Bắc: 913 người; Bắc Trung bộ: 887 người; Đông Nam bộ: 3.200 người; đồng bằng sông Cửu Long: 1.374 người... Tuy nhiên con số thực tế còn cao hơn do đây là hoạt động khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó. Tệ nạn mại dâm đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, nguy cơ lây lan các dịch bệnh xã hội, HIV/AIDS qua đường tình dục không an toàn; gia tăng các băng nhóm, tổ chức tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm có chiều hướng gia tăng...

Phạm Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh