CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:23

Phòng, chống ma túy dựa vào sức mạnh của cộng đồng

Tính đến hết tháng 11/2022, toàn quốc có trên 217.059 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 11.241 so với cuối năm 2021); 59.537 người sử dụng trái phép chất ma túy.

Cơ quan Công an Đắk Lắk kiểm tra quán bar tại TP. Buôn Ma Thuột, phát hiện hàng chục đối tượng dương tính với chất ma tuý vào tháng 6/2022

Cơ quan Công an Đắk Lắk kiểm tra quán bar tại TP. Buôn Ma Thuột, phát hiện hàng chục đối tượng dương tính với chất ma tuý vào tháng 6/2022

Tích cực hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng

3 năm trở lại đây, nhiều địa phương đã triển khai mô hình quản lý cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Qua thời gian thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp đỡ nhiều người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ người nghiện trên toàn quốc.

Tại Hà Nội, việc tổ chức cai nghiện theo hình thức xã hội hóa bằng cách để các doanh nghiệp, tư nhân thành lập các cơ sở cai nghiện tự nguyện được coi là giải pháp quan trọng để giảm tác hại do ma túy gây ra; đồng thời, góp phần giảm tải cho các cơ sở cai nghiện tập trung.

Mô hình cai nghiện theo hình thức xã hội hóa khác, là tổ chức cai nghiện dựa vào gia đình, cộng đồng cũng được Hà Nội áp dụng.

Để chủ động gỡ vướng, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào các mô hình điều trị cai nghiện này, ngoài việc tiếp tục triển khai các chính sách theo quy định chung, từ năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã huy động các nguồn lực để triển khai mô hình "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng" và "Mô hình tăng cường hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người sử dụng ma túy" tại nhiều địa phương.

Hiện tại, các mô hình này đã được thiết lập tại các quận: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, huyện Thanh Trì... Đơn cử, kết quả bước đầu cho thấy, toàn quận Tây Hồ đang quản lý hồ sơ của 420 người nghiện ma túy. Trong 9 tháng năm 2021, quận Tây Hồ đã lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy đối với 35 trường hợp, đạt 140% chỉ tiêu cả năm, còn các phường tổ chức cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 82 người, đạt hơn 96% chỉ tiêu. Đáng ghi nhận hơn, sau cai nghiện, một số trường hợp đã tích cực hòa nhập cộng đồng.

Nhiều vụ ma túy lớn bị bắt

Nhiều vụ ma túy lớn bị bắt

Tìm việc làm, hỗ trợ vốn vay giúp người cai nghiện hòa nhập cộng đồng

Tại Đồng Tháp, để triển khai thực hiện mô hình "Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng", Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã xây dựng kế hoạch; phối hợp với các sở, ngành liên quan tập huấn kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã tham gia thực hiện mô hình. Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn chính sách quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng.

Lực lượng công an các xã phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên gặp gỡ, động viên đối tượng từ bỏ ma túy; tư vấn giới thiệu việc làm, xem xét các nguồn vay vốn giúp các đối tượng từng bước thay đổi hành vi, phát triển sản xuất và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Đến tháng 11/2022, có 129/143 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh triển khai thực hiện mô hình, trực tiếp quản lý hơn 1.619 người nghiện ma túy tại cộng đồng.

Với những giải pháp triển khai hiệu quả từ mô hình, hiện nay có 427/1.619 đối tượng nghiện ma túy có chuyển biến tốt, kiểm tra nhiều lần không dương tính với ma túy (chiếm hơn 26%); trong đó, có 52 người được giới thiệu việc làm; 25 người được vay vốn từ "Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng" với số tiền 875 triệu đồng để phát triển kinh tế...; Tăng cường công tác tư vấn và trợ giúp người sau cai nghiện; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vốn vay, dạy nghề, giới thiệu việc làm... tạo điều kiện cho đối tượng từ bỏ ma túy ổn định cuộc sống, phòng, chống tái nghiện.

Tại An Giang, UBND tỉnh yêu cầu nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là cấp cơ sở trong việc lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy. Tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý và thi hành pháp luật về cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương của tỉnh đã nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút người vào làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đặc biệt là bác sĩ; đề xuất chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia công tác cai nghiện ma túy tự nguyện.

Đồng thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. Nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả bài thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh…

Tiếp tục dựa vào cộng đồng

Trên thực tế, các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội dựa vào cộng đồng đang phát huy hiệu quả. Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam, hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và tại cộng đồng được đánh giá là mô hình thân thiện, nhân văn, nhưng đa số địa phương hiện chưa đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện.

Điều này lý giải vì sao trong năm 2022, Hà Nội chỉ có hơn 260 người tham gia điều trị tại gia đình, cộng đồng, bằng 22% so với năm 2021.

Góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, nhất là vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cơ quan chức năng tại các địa phương trên cả nước tập trung cao điểm phòng, chống tệ nạn xã hội.

Theo đó, các bên chú trọng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống ma túy, cách nhận biết các chất ma túy mới tẩm trong thực phẩm, thuốc lá...

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người nghiện, người cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy cũng được triển khai, làm căn cứ để các bên đưa ra giải pháp phòng, chống ma túy phù hợp, khả thi.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thường xuyên thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến ma túy…

Hiện nay, trên cả nước, ngoài những giải pháp, mô hình cai nghiện đang triển khai, các Sở LĐ-TB&XH đang xây dựng kế hoạch cai nghiện và quản lý sau cai giai đoạn 2021-2025; kế hoạch phát triển các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng giai đoạn 2021-2025; Đó là những định hướng quan trọng để các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì, phát triển các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội dựa vào cộng đồng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, phòng, chống tệ nạn ma túy sẽ không thể thành công nếu thiếu đi sự tham gia của các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân. Thực tế, nhiều mô hình phòng, chống tệ nạn ma túy hiệu quả nhờ dựa vào sức mạnh của cộng đồng.

Ngoài các chính sách chung của Nhà nước, các địa phương nên có hơn nữa những dự án đặc thù xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội để hỗ trợ, vực dậy các địa bàn bị ma túy tàn phá, kết hợp với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người nghiện, giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh