THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 02:21

Phòng chống “dịch bệnh học đường”

 

Học sinh cần được khám sức khỏe thường xuyên để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các bệnh học đường.

Vẹo cột sống, tật khúc xạ vì ngồi sai tư thế 

Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành đã cho học sinh đi học sớm. Ghi nhận tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho thấy, do số lượng học sinh quá đông nên ở nhiều lớp mỗi bàn học được bố trí đến 3 học sinh ngồi, khiến các em gặp khó khăn khi viết bài cũng như khi tham gia các hoạt động của lớp. Cùng với đó, bàn ghế học tập không đúng tiêu chuẩn, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của học sinh.

Chia sẻ với chúng tôi, nhiều phụ huynh lo lắng khi con em họ mới chỉ đi học ít ngày đã cảm thấy mệt mỏi, chân tay rã rời chỉ vì lớp đông, bàn ghế chật hẹp.

Qua điều tra của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, tỷ lệ học sinh Việt Nam bị mắc bệnh cong vẹo cột sống chiếm tỷ lệ 15% - 25%. Trong đó, ngoài một số trẻ bị tật bẩm sinh thì phần lớn nguyên nhân là do kích thước bàn ghế không phù hợp với chiều cao học sinh, ngồi học không đúng tư thế, không ngay ngắn, nằm, quỳ, nghiêng khi học bài, mang vác cặp sách, ba lô nặng... gây áp lực lên cột sống khiến cột sống không phát triển bình thường.

Để phòng ngừa bệnh cong vẹo cột sống, cách tốt nhất là để cho học sinh ngồi học đúng tư thế, lưng thẳng, đầu ngẩng, không ngồi vẹo lệch sang một bên. Bàn ghế phải có kích thước phù hợp với trẻ (không cao quá hoặc thấp quá), hạn chế cho trẻ mang vác những vật nặng, tập luyện thể thao với cường độ cao. Ngoài ra cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để hệ xương của trẻ phát triển chắc khỏe, nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và bổ xung canxi đều đặn.

 Học sinh phải có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý

Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra, hiện nhiều học sinh nước ta đang mắc tật khúc xạ (cận thị, loạn thị và viễn thị). Điều tra của Bệnh viện Mắt trung ương, Việt Nam hiện có trên 3 triệu học sinh (độ tuổi 6 - 15) bị mắc các tật khúc xạ cần phải điều trị, trong đó 2/3 là bị cận thị. Còn theo Cục Y tế dự phòng, số học sinh mắc cận thị chiếm 20% - 35%. Đáng lo ngại, tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ ngày càng tăng nhanh, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị.

Tật khúc xạ do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nguyên nhân chính là việc học sinh ngồi học thiếu ánh sáng, ngồi sai tư thế thời gian dài, dinh dưỡng chưa đáp ứng, thời gian học tập căng thẳng và liên tục, không cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn. Cùng với đó, việc nhiều trẻ lạm dụng máy tính, chơi game, xem tivi quá nhiều cũng  khiến cho tật khúc xạ ngày càng tăng.

Bác sĩ Phạm Ngọc Đông, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương, cho biết khi đã mắc tật khúc xạ thì cần phải cho trẻ đeo kính, chỉnh kính đúng số và tái khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt, để tránh những biến chứng có thể xảy ra do việc không đeo kính hoặc đeo kính không chuẩn xác.

Để phòng tránh tật khúc xạ tuổi học đường, học sinh phải có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ 1 giờ phải nghỉ 10 - 15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút/lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt. Đồng thời việc điều chỉnh tư thế ngồi học ngay từ bậc tiểu học cần được đặc biệt chú ý, rèn giũa để thành thói quen.

 

Các nhóm bệnh truyền nhiễm phổ biến trong trường học

- Nhóm bệnh Tiêu hóa bao gồm: Tiêu chảy, nhiễm trùng tiêu hóa, lỵ, nặng nhất là thương hàn… đặc biệt bệnh có thể gây thành dịch là bệnh tả.

- Nhóm bệnh về Da: Ghẻ, chốc, nhiễm trùng da do ngâm nước.

- Nhóm bệnh về Hô hấp: Viêm mũi họng, viêm phế quản...

- Nhóm bệnh về mắt: Viêm kết mạc, đau mắt đỏ...

- Nhóm các bệnh mới nổi: Sốt xuất huyết, chân tay miệng, các thể bệnh cúm…

Trong những nhóm bệnh trên, nhóm bệnh có nguy cơ cao lây lan thành dịch là nhóm các bệnh mới nổi.

HOA HẠ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh