THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:06

Phòng chống bạo lực học đường: Cần tạo môi trường văn hóa trong trường học

 

Những giờ sinh hoạt tập thể trong trường học sẽ giúp học sinh gắn kết, giảm tình trạng BLHĐ.


Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Phòng GD&ĐT quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trong vấn đề bạo lực học đường, điều cần phải làm là người lớn hãy nhìn lại chính mình. Ở đây chính là phụ huynh, giáo viên. “Học trò bây giờ, từ trước khi đến trường các em đã quen với bạo lực ngay trong gia đình. Khi đến lớp, giáo viên cũng phải biết điều tiết, biết kiềm chế không sử dụng bạo lực với học trò, để các em cảm nhận, quen với cách ứng xử nhã nhặn, tích cực. Thầy cô nóng nảy, đánh đập, xúc phạm học sinh sẽ rất khó giáo dục tính thiện trong các em. Cùng với đó, BLHĐ còn được sự "hỗ trợ tích cực" của mạng xã hội khi bất cứ điều gì, dù có được kiểm chứng hay không, đều được tung lên mạng xã hội”, bà Cúc nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Phú Trí, đại diện phụ huynh học sinh trường THCS Hồng Bàng (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, các em chịu ảnh hưởng quá lớn từ mạng xã hội. Một số học sinh sử dụng mạng xã hội thiếu văn hóa, vừa là nguy cơ, vừa là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ BLHĐ. Mâu thuẫn nhỏ từ câu nói qua lại trên mạng cũng có thể dẫn đến đánh nhau.

“Nhà trường cần thường xuyên tổ chức cho học sinh giao lưu với những tấm gương sáng, nói chuyện chuyên đề về văn hóa ứng xử, cũng như cách sử dụng mạng xã hội thông minh. Cùng với đó, nhà trường cần xây dựng quy tắc ứng xử giữa các thành viên để tạo môi trường văn hóa, ngăn ngừa bạo lực. Kỷ luật, đuổi học chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, quan trọng phải tạo môi trường văn hóa trong trường, rèn luyện văn hóa ứng xử giữa học sinh với học sinh, giáo viên với học sinh và ngay cả giáo viên với giáo viên”, ông Trí đề nghị.

Theo thầy Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh), cơ sở giáo dục phải thường xuyên chú trọng giáo dục về mặt nhận thức và pháp luật cho học sinh. Hình thức tổ chức có thể bao gồm giáo dục trong giờ học môn giáo dục công dân, giờ sinh hoạt dưới cờ hoặc tích hợp trong các môn học khác. Ngoài ra, việc chú trọng xây dựng cảnh quan, tạo môi trường giáo dục sạch đẹp, thoải mái cũng góp phần ảnh hưởng đến tâm trạng học sinh.

Ông Phạm Anh Dũng, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng Pháp chế (Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương) cho rằng, BLHĐ có nguyên nhân từ các hoạt động cho học sinh trong trường chưa phong phú, không đủ thời gian, do đó không giúp các em hình thành tính hướng thiện. Vì thế, nên giáo dục các em bằng hành động, trải nghiệm thực tế mới có những thế hệ ngày càng tốt hơn. Giáo dục đạo đức cần được triển khai một cách nghiêm túc và hiệu quả chứ không phải làm cũng được, không làm cũng được.

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh