THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:48

Phong bì: Chuyện không của riêng ngành y?

“Luật bất thành văn”

Một khảo sát được thực hiện năm 2015 trên gần 6.000 độc giả báo Dân trí về vấn nạn phong bì trong bệnh viện cho thấy, chỉ 7% cho biết đưa phong bì để cảm ơn bác sĩ đã cứu chữa còn tới 73% đưa phong bì vì sợ không được chăm sóc tốt. Đặc biệt có 15% đưa phong bì là do nhân viên y tế gợi ý.

Thực tế cho thấy tại các BV công, tình trạng bệnh nhân đưa phong bì để cảm ơn y - bác sĩ đã trở thành một thứ luật bất thành văn. Đưa phong bì 2-3 triệu đồng cho kíp mổ, kíp đỡ đẻ hay giúi ít tiền cho hộ lý, điều dưỡng là cách mà người nhà bệnh nhân hay làm để mong người thân được chăm sóc tốt hơn. Một người nhà bệnh nhân thừa nhận: “Không có mức giá chung nào nhưng ít nhiều gì cũng phải “cảm ơn” để được bác sĩ tận tình hơn”.

Lãnh đạo Bộ Y tế từng thừa nhận dẹp nạn phong bì trong ngành y là cuộc chiến lâu dài, bởi nó đã thành một thứ bệnh nan y lâu năm trong bối cảnh nhiều bệnh viện quá tải, lương nhân viên y tế còn thấp... Năm 2011, Bộ Y tế đã phát động phong trào đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ và quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức đối với bệnh nhân, trong đó có nội dung yêu cầu nhân viên y tế “Nói không với phong bì”. Đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dứt khoát không đưa phong bì, thậm chí còn đưa ra thông điệp mạnh mẽ đến nhân dân: “Nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận phong bì thì chụp ảnh và gửi lại cho chúng tôi”.

Khi phát động thực hiện “Quy tắc ứng xử nâng cao y đức”, ngành y tế đã chọn 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện Phụ sản TƯ làm điểm. Nhiều bệnh viện cũng đã chủ động lắp camera theo dõi tại các khoa Khám bệnh, hành lang để phát hiện hành vi vi phạm. Dù vậy, tình trạng đưa phong bì ở bệnh viện vẫn diễn ra khá phổ biến. Bản thân Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền cũng thẳng thắn cho rằng, có thể hạn chế tối đa tình trạng “phong bì bệnh viện” song không lãnh đạo nào dám khẳng định bệnh viện mình không có “phong bì”. Và vụ việc xảy ra mới đây ở Bệnh viện K càng khiến nhiều người hoài nghi về nỗ lực “nói không với phong bì” của ngành y tế bấy lâu nay.

Chuyện của riêng ngành y?

GS,TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, việc lên án những vụ việc nhân viên y tế nhận phong bì của người bệnh như trường hợp cụ thể diễn ra mới đây tại Bệnh viện K là là cần thiết để góp phần giáo dục cán bộ ngành y. Tuy nhiên, cần phải xem xét các vụ việc một cách khách quan . “Chúng ta đều thấy ngành y đã rất quyết liệt trong việc xử lý các tiêu cực trong thời gian qua. Vào bệnh viện có thể thấy thái độ của y, bác sĩ, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh đã tốt hơn, dù những hạn chế, tiêu cực vẫn còn. Hơn nữa, không phải chỉ ngành y mới có nạn “phong bì” mà đây là vấn nạn của cả xã hội, nên đừng gắn ngành y với “phong bì” như một nét đặc trưng”, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nói.

Theo Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, chuyện phong bì hay hành vi ứng xử không phải là “đặc sản” của ngành y mà thực tế ngành nào cũng có. Song ngành y là ngành nhạy cảm, do vậy bị “soi” nhiều hơn. Theo ông Tuấn, để giải quyết hành vi ứng xử, hay chuyện phong bì thì trước hết cuộc sống của cán bộ, nhân viên y tế cần được đảm bảo. Bác sĩ cũng là con người, họ còn có gia đình, con cái. Họ được đào tạo rất vất vả, rất kỳ công, trong khi kiến thức y khoa thì mênh mông. Hãy nhìn nhận một cách công bằng, đừng nhìn nhận một cách cay nghiệt về ngành y. Nếu đặt vào vị trí của người thầy thuốc, là nhân viên y tế thì chúng ta sẽ hiểu thực tế là như thế nào. “Điều quan trọng nhất cơ chế tự chủ là thay đổi chuyên môn. Chuyên môn là điều cần nhất, vì khi có chuyên môn thì sẽ có uy tín, có thu nhập thì khi đó nhũng nhiễu cũng sẽ tự bớt đi, vì không ai không xấu hổ khi chìa tay cầm phong bì nếu họ là con người có liêm sỉ.”- BS Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đáp lại quan điểm  cho rằng, phong bì là vấn nạn của toàn xã hội, nhiều  ý kiến được đăng tải trên mạng xã hội thời gian qua lại cho thấy, không phải vì xã hội đầy rẫy chuyện phong bì, phong bao mà ngành y cũng cho mình cái quyền đương nhiên được nhận phong bì, phong bao. Làm ngành nghề nào cũng có những chuẩn mực, qui tắc, đạo đức nghề nghiệp. Thế nhưng vì sao phong bì trong ngành y lại bị lên án mạnh mẽ hơn cả? Bởi ngành y là ngành gắn liền với sinh mệnh, sức khỏe của mỗi con người. Chính vì thế, đạo đức ngành y luôn được đặt lên hàng đầu. Lên án chuyện phong bì trong bệnh viện có thể sẽ khiến những vị bác sĩ có tâm, có tài mếch lòng. Nhưng cũng phải đặt câu hỏi, trong hệ thống bệnh viện hiện nay có bao nhiêu bác sĩ có tâm không vòi vĩnh của bệnh nhân và dám lên án hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh của các đồng nghiệp?  

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh