THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:45

Phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho trẻ

 

Người dân còn thờ ơ

Ông Huỳnh Công Quang, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh  Quảng Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết lên tới 443 ca, trong khi cũng thời điểm này năm 2014, thống kê chỉ có 67 trường hợp. Ông Quang nhận định: “Năm 2015 được dự báo là năm chu kỳ của dịch. Type vi rút lưu hành và điều kiện thời tiết có thể khiến đỉnh dịch tăng cao vào giữa tháng 10, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch”. Điều tra dịch tễ ghi nhận các ổ dịch đều xảy ra tại những khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi sốt xuất huyết như nhiều vật phế thải, máng nước uống của vật nuôi, vựa phế liệu, cơ sở tái chế vỏ xe...

Gần đây nhất, dịch sốt xuất huyết tiếp tục bùng phát ở Núi Thành và Phú Ninh. Từ ổ dịch sốt xuất huyết ban đầu xuất hiện ở xã Tam Giang, đến đầu tháng 10 toàn huyện đã xuất hiện tới 5 ổ dịch ở thị trấn Núi Thành, các xã Tam Anh Nam, Tam Tiến và Tam Xuân 2. Sốt xuất huyết xuất hiện tại 17/17 xã, thị trấn của huyện Núi Thành, với 57 ca phải nhập viện điều trị. Ngoài ra, tại các xã Tam Phước, Tam Dân (huyện Phú Ninh), một số ổ dịch nhỏ xuất hiện rải rác đã kịp thời được ngành y tế huyện triển khai xử lý, phun thuốc dập dịch. Theo Trung tâm YTDP tỉnh, đã phát hiện được 63 ổ dịch với 443 ca mắc được ghi nhận. Hiện tại, Trung tâm YTDP đã dùng đến 100 lít hóa chất để phun cho các ổ dịch. Tuy nhiên, theo các cán bộ tham gia xử lý ổ dịch, người dân vẫn còn khá thờ ơ trong việc xử lý dịch, đặc biệt là vệ sinh môi trường sống, diệt bọ gậy. “Khi xuất hiện ổ dịch, ngành YTDP đã tăng cường lực lượng phun thuốc, xử lý hóa chất để ngăn ngừa, tuy nhiên nhiều nơi người dân vẫn chưa tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống như khuyến cáo, khiến dịch kéo dài, chậm giải quyết dứt điểm” - ông Quang nói.

Thực hiện việc mắc màn cho trẻ tại trường mầm non Thánh Gióng.

Phòng dịch cho trẻ

Mắc màn chống sốt xuất huyết trong trường học
Bà Phan Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thánh Gióng (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) cho biết, từ khi có thông tin dịch sốt xuất huyết bùng phát, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa cho trẻ. Bên cạnh việc tăng cường diệt bọ gậy, vệ sinh khu vực trường, sau mỗi buổi học, các phòng học đều được xử lý khử trùng bằng Cloramin B, phun xịt thuốc đuổi muỗi. Đặc biệt, việc mắc màn khi trẻ ngủ được quán triệt nghiêm túc đối với từng lớp học. “Khi giáo viên phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt bất thường, chúng tôi sẽ liên hệ với phụ huynh để đón trẻ về chăm sóc, đồng thời không để lây bệnh cho các trẻ khác” - bà Vân nói. Được biết, việc mắc màn cho trẻ ngủ được thực hiện từ khi bắt đầu thành lập trường. Hiện tại trên địa bàn TP.Tam Kỳ, 100% các trường mầm non đã thực hiện việc mắc màn cho trẻ ngủ.

Để phòng dịch bùng phát trong trường học, nhất là các đối tượng trẻ mầm non và bậc tiểu học, Phòng Giáo dục TP.Tam Kỳ đã có văn bản yêu cầu tất cả trường học trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng ngừa. “Phòng đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống bệnh dịch theo chuẩn yêu cầu của ngành y tế. Mới đây, chúng tôi đã kêu gọi các trường thực hiện việc mắc màn cho trẻ ngủ vào buổi trưa tại các trường mầm non, tiểu học bán trú” - ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Tam Kỳ chia sẻ.

Số ca mắc sốt xuất huyết tại Quảng Nam chủ yếu là người lớn, chiếm 65%. Số trẻ dưới 15 tuổi mắc bệnh chiếm 35%. Tuy nhiên, phòng ngừa cho trẻ nhỏ trong mùa là điều quan trọng, bởi lẽ đây là những đối tượng rất dễ bị nhiễm bệnh. Ông Huỳnh Công Quang nói thêm, ngay ở thời điểm này, nếu trẻ có những dấu hiệu của sốt, đau đầu thì tốt nhất nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhà để khám chữa bệnh, phụ huynh không nên tự ý điều trị tại nhà.

Biểu đồ diễn biến dịch sốt xuất huyết tại Quảng Nam so với cùng kỳ 2014.Ảnh: P.G

 Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết và các loại dịch bệnh trong mùa mưa, ông Trần Văn Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh khuyến cáo, người dân cần chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa như mắc màn chống muỗi, diệt trừ bọ gậy, phát quang bụi rậm, vệ sinh nhà ở và xung quanh nhà. Ngành YTDP cũng đang dốc sức chống dịch sốt xuất huyết với những đợt xử lý dập dịch, phun hóa chất, kiểm tra công tác phòng chống dịch ở các địa phương trong toàn tỉnh. Trong các đợt kiểm tra, chỉ đạo chống dịch sốt xuất huyết những ngày vừa qua, ngành y tế đã chỉ đạo các địa phương triển khai tăng cường công tác truyền thông trong các trường học. Cụ thể, vào mỗi tuần, các trường tiểu học, THCS, THPT sẽ tổ chức thông tin về tình hình dịch sốt xuất huyết cho học sinh, khuyến cáo các em và gia đình thực hiện biện pháp phòng dịch tại nhà. Đồng thời nhiều trường bán trú, nội trú được yêu cầu mắc màn cho học sinh vào giờ trưa, ban đêm để phòng chống muỗi…“Dù chỉ mới xuất hiện các ổ dịch nhỏ, chưa có ca tử vong nhưng người dân cũng cần cẩn trọng, chủ động thực hiện phòng chống dịch. Diệt trừ bọ gậy, vệ sinh nhà ở, ngăn ngừa sự sinh sản của muỗi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa sốt xuất huyết” - ông Hoàn nói.

Thời điểm giao mùa, theo khuyến cáo từ các bác sĩ, đối với trẻ nhỏ, phụ huynh nên thực hiện nghiêm túc việc giữ vệ sinh cho trẻ, không nên đưa trẻ đến chỗ đông người khi không cần thiết; rửa tay đúng, ăn chín, uống sôi; uống đủ nước, ngủ đủ giấc; không sinh hoạt quá nóng hay quá lạnh. Đặc biệt người lớn phải giữ gìn vệ sinh cho trẻ bằng cách thường xuyên rửa tay, khi ra ngoài về phải thay quần áo, rửa tay rồi hãy chơi với bé.

 

 

 

 

 






CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh