THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:49

Phối hợp với các bộ, ngành cùng chung tay bảo vệ trẻ em

 

Phát biểu tại buổi làm việc của Thứ trưởng, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết: Hiện cả nước có trê 26 triệu trẻ em, trong đó, có 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và đang hướng dẫn tổng rà soát, thu thập số liệu cập nhật theo Luật Trẻ em 2016. Trong 4 tháng đầu năm, tình hình xâm hại trẻ em có giảm. Tuy nhiên, thời gian qua, dư luận xã hội quan tâm đến các vụ việc bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trong trường học. Về tình hình tai nạn thương tích, đuối nước đầu năm giảm, nhưng cần quan tâm hơn vào mùa hè và mùa mưa lũ. Bởi hiện nay mức độ giảm tai nạn thương tích chưa nhiều, số trẻ em bị tử vong do đuối nước ở Việt Nam còn cao trên thế giới.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà thăm và tặng quà cho các em nhỏ phẫu thuật nụ cười tại Bệnh viện răng hàm mặt trung ương.

 

Về công tác xây dựng văn bản, hiện đã có công văn xin ý kiến về kế hoạch của Ủy ban quốc gia về trẻ em; Quyết định thành lập Ban soạn thảo Quyết định sửa đổi Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg cũng như công văn gửi các bộ, ngành và địa phương hướng dẫn công tác trẻ em. Đồng thời, xây dựng báo cáo việc thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Cục Trẻ em đang chuẩn bị triển khai chiến dịch truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2018. Bên cạnh đó, triển khai những hoạt động truyền thông, kết nối với báo chí thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Kênh VOV giao thông, Đài Truyền hình Việt Nam, tổ chức họp báo kịp thời về các vấn đề phức tạp liên quan đến trẻ em; sản xuất các chương trình phóng sự, truyền thông về hoạt động của Bộ và công tác trẻ em.

Ông Nam cho biết, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đồng thời là đầu mối đường dây nóng về phòng, chống mua bán người và giải đáp về chính sách an sinh xã hội ở các tỉnh trọng điểm. Về triển khai Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, Cục Trẻ em đã hỗ trợ các Trung tâm công tác xã hội, điểm tư vấn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; triển khai hệ thống bảo vệ trẻ em ở xã; Cập nhật số liệu về trẻ em trong gia đình, duy trì cổng thông tin điện tử để theo dõi số liệu về trẻ em; Hướng dẫn về cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã. Cục đang tiến hành rà soát về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em 2016 để làm căn cứ hoàn thiện hệ thống chính sách về trẻ em và xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo. Cục Trẻ em tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về trẻ em như: Triển khai dự án về phòng ngừa lao động trẻ em với ILO và Hoa Kỳ tài trợ; Dự án hợp tác với UNICEF…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao kết quả Cục Trẻ em đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong 4 tháng đầu năm 2018 như: Triển khai Luật trẻ em, tham mưu xây dựng các văn bản quy định chi tiết như Nghị định số 56, Nghị định số 80, Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ, thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em và hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, duy trì vận hành hệ thống dữ liệu về trẻ em…

Trong thời gian tới, Thứ trưởng chỉ đạo Cục Trẻ em tập trung một số nội dung như: Luật Trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 có nhiều điểm mới, tích cực, tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế. Việc triển khai và đưa Luật trẻ em vào cuộc sống thể hiện vai trò của chính quyền các cấp, của các bộ, ngành, các văn bản hướng dẫn triển khai Luật. Thứ trưởng chỉ đạo, đến tháng 6/2018, Cục cần xây dựng đánh giá tình hình 1 năm triển khai Luật trẻ em tại các bộ, ngành, địa phương; chuẩn bị báo cáo trình Quốc hội. Cục Trẻ em cũng cần rà soát, đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2016 – 2020 để đề xuất các biện pháp thúc đẩy thực hiện, bảo đảm đạt các mục tiêu đã đề ra. Kết quả và những vấn đề đặt ra sau hơn 1 năm triển khai Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định 565 của Thủ tướng Chính phủ đúng mục đích, hiệu quả.

Thứ trưởng chỉ đạo Cục Trẻ em tập trung đánh giá kết quả thực hiện các mô hình về quyền trẻ em đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng, các vùng miền khác nhau, thường xuyên cập nhật thông tin, nắm các vấn đề về trẻ em mà xã hội quan tâm, kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em được cập nhật trên phần mềm trực tuyến từ cơ sở đến Trung ương. Đây cũng là căn cứ quan trọng cho việc tham mưu các chính sách phù hợp với trẻ em. Tích cực phối hợp với chuyên gia và các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện và công bố kết quả xếp hạng địa phương về thực hiện quyền trẻ em năm 2016 – 2017; từ đó khuyến khích các địa phương quan tâm đầu tư nhiều hơn cho công tác trẻ em.

Thứ trưởng chỉ đạo kiện toàn tổ chức và triển khai các hoạt động của Ủy ban quốc gia về trẻ em; phân công cán bộ chuẩn bị tổ chức các đoàn kiểm tra của Ủy ban quốc gia tại các bộ, ngành, địa phương nhằm đánh giá kết quả, mô hình hay, cách làm tốt để nhân rộng, cần lấy cái đẹp để dẹp cái xấu, báo chí chính thống cần tốt để định hướng dư luận, cần có thông tin cụ thể để giới thiệu các điểm tốt; đồng thời phát hiện những vấn đề vướng mắc, khó khăn, cần có chỉ đạo, giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

 Về nhiệm vụ trước mắt, Thứ trưởng chỉ đạo Cục Trẻ em cần chuẩn bị tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về giải pháp phòng, chống bạo hành trẻ em. Tổ chức triển khai Tháng hành động vì trẻ em 2018; cần phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an, Đoàn TNCSHCM để phân công nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, cần phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ triển khai hiệu quả các chương trình, dự án do các tổ chức tài trợ, bảo đảm hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về trẻ em thiết thực, hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình của Việt Nam và xu hướng chung của khu vực cũng như trên thế giới.

Lĩnh vực trẻ em liên quan đến từng nhà, từng tổ chức, cộng đồng. Vì vậy, cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan như: Bộ GD&ĐT, VHTT&DL; Công an; Thông tin và truyền thông,… Với vai trò của Ủy ban quốc gia bảo vệ trẻ em, khi có vấn đề cần đề nghị, nhắc nhở và cộng tác phối hợp để thực hiện hiệu quả hơn. Có những nội dung kết hợp, ghép chung một số đơn vị cùng làm sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên và các tổ chức đoàn thể, hội cựu chiến binh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc giám sát, phản biện xã hội đối với việc xây dựng, thực hiện chính sách, phát luật liên quan đến trẻ em. Trong môi trường giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em: Gia đình – nhà trường – xã hội thì gia đình có vai trò hết sức quan trọng.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh